Ngày 8/3, trả lời thẩm vấn trong phiên tòa xét xử sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và những đơn vị liên quan, bị cáo Phạm Thu Phong, Trưởng ban kiểm soát Ngân hàng SCB khai rằng, khi làm việc thì không được các phòng ban hợp tác, không tiếp cận được đầy đủ hồ sơ nên không kiểm soát được.
Theo lời khai của bà Phong, Ban kiểm soát có nhiệm vụ thẩm tra, giám sát hoạt động của HĐQT, Tổng giám đốc và tất cả bộ phận của ngân hàng. Mục đích nhằm đảm bảo hoạt động của ngân hàng đúng theo quy định của pháp luật.
Bị cáo Phạm Thu Phong, Trưởng ban kiểm soát Ngân hàng SCB tại toà. |
"Trong quá trình làm trưởng ban kiểm soát Ngân hàng SCB từ tháng 6/2012 (sau khi ngân hàng hợp nhất được mấy tháng) đến cuối năm 2018, bà có ra định hướng, kế hoạch hàng năm để nhân viên thực hiện. Ban kiểm soát có những cảnh báo, báo cáo về tình hình hoạt động của Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, bị cáo thấy mình có trách nhiệm để xảy ra sự việc như ngày hôm nay”, bà Phong nói.
Trình bày thêm với HĐXX, bà Phong cho biết, bà đã xin nghỉ vào cuối năm 2016 vì lúc này không tiếp cận được hồ sơ, tiếp cận không đầy đủ, nên không có cơ sở để đánh giá.
"Bị cáo thấy tình hình không ổn nên có đề xuất với Chủ tịch HĐQT giúp đỡ để mình hoàn thành nhiệm vụ. Dù làm ban kiểm soát nhưng khi làm việc thì không được các phòng ban hợp tác, trước áp lực như vậy nên bị cáo xin nghỉ".
Theo bà Phong, sau khi nghỉ việc, Trương Mỹ Lan có đề nghị hỗ trợ một khoản tiền nhưng bà không nhận. Sau đó, bà Lan đưa cho tài xế chuyến đến cho 20 tỷ đồng.
Bà Phong khai: “Khi bị cáo xin nghỉ, chị Lan nói chị cũng biết em làm việc rất áp lực, căng thẳng, em nghỉ thì chị cũng hỗ trợ tài chính cho em, bị cáo đã từ chối vì được nghỉ là đúng nguyện vọng rồi. Nhưng khi bị cáo đang ở nhà thì chị Lan gọi điện rồi nói là tài xế gửi quà cho em, dù nói nhà xa khó tìm nhưng chị Lan vẫn gửi 20 tỷ đồng hỗ trợ bị cáo. Quá trình điều tra vụ án, bị cáo đã tự nguyện nộp lại 20 tỷ đồng này”.
Đại diện HĐXX đặt câu hỏi, làm việc cho Ngân hàng SCB, nhưng sao xin nghỉ việc lại trình bày với Trương Mỹ Lan?
Bà Phong đáp rằng, không chỉ riêng bà, mà mọi người tại SCB đều xác định Trương Mỹ Lan là chủ, là người quyết định tất cả mọi việc của Ngân hàng SCB.
Dù không giữ chức vụ gì nhưng Trương Mỹ Lan là người quyết định tại Ngân hàng SCB. |
Theo cáo trạng, Phạm Thu Phong làm việc tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB cũ) từ năm 2007, sau đó tiếp tục công tác tại Ngân hàng SCB đến cuối năm 2018, tháng 4/2019 thì nghỉ chính thức. Bà đã trải qua nhiều vị trí, chức vụ khác nhau, như: Kiểm Soát viên, Phó Trưởng phòng Kiểm soát nội bộ, Thành viên Ban Kiểm soát, Trưởng ban Kiểm soát SCB.
Trong thời gian Phạm Thu Phong giữ vai trò Trưởng Ban kiểm soát Ngân hàng SCB, từ ngày 20/11/2012 đến ngày 26/12/2018, Ngân hàng SCB đã phát sinh 338 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, với 403 khoản vay tại Ngân hàng SCB.
Trong đó, các khoản vay của các khách hàng này còn dư nợ đến ngày 17/10/2022 là 89.106 tỷ đồng nợ gốc, 74.597 tỷ đồng nợ lãi/phí (bao gồm nợ lãi/phí đã được bán nợ/cấn trừ nợ), tổng dư nợ là 163.703 tỷ đồng.
Phạm Thu Phong đã không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ quy định của Ban Kiểm soát và Trưởng ban Kiểm soát trong quá trình SCB cấp tín dụng đối với nhóm khách hàng thuộc nhóm Trương Mỹ Lan theo số liệu như nêu trên nên đã không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có biện pháp xử lý đối với các sai phạm của Ngân hàng SCB trong hoạt động cấp tín dụng này, dẫn đến các khoản vay còn dư nợ đặc biệt lớn, Ngân hàng SCB không có khả năng thu hồi nợ.
Hành vi của Phạm Thu Phong đã gây thiệt hại cho SCB số tiền 90.317 tỷ đồng.