Thời sự
Tuyên Quang được thành lập hai thị trấn Lăng Can và Yên Sơn
Nguyễn Lê - 27/04/2021 10:27
Ủy ban Pháp luật đề nghị chính quyền tỉnh Tuyên Quang lưu ý để việc điều chỉnh không làm ảnh hưởng, xáo trộn đến dự kiến cơ cấu, thành phần của HĐND nhiệm kỳ mới

Sáng 27/4, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề án điều chỉnh một số đơn vị hành chính của  tỉnh Tuyên Quang, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tỉnh này đề nghị điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên (90,91 km2) và dân số (7.842 người) của xã Phúc Sơn và toàn bộ diện tích tự nhiên (41,67 km2) và dân số (6.757 người) của xã Minh Quang thuộc huyện Chiêm Hóa về huyện Lâm Bình quản lý.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua đề án.

Trên cơ sở đó thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình trên cơ sở toàn bộ  diện tích tự nhiên, dân số của xã Lăng Can.

Tuyên Quang cũng đề nghị điều chỉnh 0,58 km2 diện tích tự nhiên, 923 người của xã Lang Quán và 2,29 km2 diện tích tự nhiên, 1.788 người của xã Tứ Quận về xã Thắng Quân quản lý.

Thành lập thị trấn Yên Sơn thuộc huyện Yên Sơn trên cơ sở 29,21 km2 diện tích tự nhiên, 22.041 người của xã Thắng Quân (sau khi điều chỉnh và đổi tên đơn vị hành chính).

Về sự cần thiết phải điều chỉnh, theo tờ trình của Chính phủ, hiện nay, huyện Lâm Bình có 3 xã (Hồng Quang, Thổ Bình và Bình An) cùng với 02 xã của huyện Chiêm Hóa (Phúc Sơn, Minh Quang) nằm trong lòng chảo, bao quanh bởi dãy núi cao và bị ngăn cách với các xã còn lại của huyện Chiêm Hóa bởi đèo Lai. Người dân của các xã nêu trên có nhiều nét tương đồng và cùng liên kết phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp.

Tuy nhiên do thuộc quản lý của 02 huyện khác nhau nên việc lập quy hoạch, định hướng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho cụm xã chưa đồng bộ, chưa tạo được động lực để thu hút đầu tư, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các xã trong phát triển nông lâm nghiệp, du lịch, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp.

Vì vậy, việc điều chỉnh địa giới hành chính nhằm chuyển 02 xã của huyện Chiêm Hóa về huyện Lâm Bình quản lý là cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý của chính quyền cơ sở; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội và nguyện vọng của nhân dân địa phương.

Với Lăng Can, đây là xã trung tâm của huyện Lâm Bình, là đầu mối giao thông quan trọng. Hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa tại xã Lăng Can đặt ra yêu cầu cần thiết phải thành lập thị trấn góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lâm Bình.

Các thôn Cầu Trôi, thôn 11 và thôn Đồng Chằm thuộc xã Tứ Quận; thôn 1, thôn 6 thuộc xã Lang Quán tiếp giáp với xã Thắng Quân cùng nằm trên trục Quốc lộ số 2 tuyến Tuyên Quang đi Hà Giang có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, có nhiều nét tương đồng về văn hóa. Đồng thời, đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang phê duyệt quy hoạch chung và được đầu tư xây dựng trung tâm thị trấn huyện lỵ Yên Sơn (bao gồm toàn bộ xã Thắng Quân và 05 thôn thuộc hai xã Tứ Quận và Lang Quán).

Vì vậy, việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập thị trấn Yên Sơn là cần thiết, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân trong khu vực và góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội huyện Yên Sơn - bà Trà báo cáo.

Thẩm tra đề án, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã đề nghị lý giải cụ thể hơnsự cần thiết điều chỉnh 02 xã Phúc Sơn và Minh Quang từ huyện Chiêm Hóa về huyện Lâm Bình. Việc điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã theo Đề án sẽ dẫn đến các đại biểu HĐND được bầu ở các đơn vị hành chính bị điều chỉnh phải thay đổi địa bàn hoạt động. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị chính quyền tỉnh Tuyên Quang lưu ý vấn đề này để không làm ảnh hưởng, xáo trộn đến dự kiến cơ cấu, thành phần của HĐND nhiệm kỳ mới 2021-2026 ở các đơn vị hành chính có liên quan. 

Nghị quyết về nội dung nói trên được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2021 tới đây.

Tin liên quan
Tin khác