Ngân hàng - Bảo hiểm
Tỷ giá chưa hết áp lực trong thời gian tới
Vân Linh - 16/05/2024 09:19
Dù đã hạ nhiệt, song tỷ giá được dự báo chưa hết áp lực, do sức nóng của vàng và lộ trình cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chậm lại.

Giai đoạn áp lực nhất đã qua

Tính đến thời điểm hiện tại, VND mất giá gần 5%, ngang bằng dự báo cả năm. Đây là yếu tố bất ổn khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải đối phó nhiều nhất trong quý I/2024. Nhưng nhờ các giải pháp can thiệp của NHNN, tỷ giá đã bớt căng thẳng, chỉ còn tăng 4,8% so với đầu năm.

Phó thống đốc thường trực NHNN, ông Đào Minh Tú khẳng định, tỷ giá là vấn đề lớn, nếu không quản lý hiệu quả, sẽ tác động đến lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, NHNN rất quyết liệt trong điều hành, đã áp dụng nhiều giải pháp như điều tiết lượng tiền trong lưu thông, điều hành lãi suất hợp lý, thúc đẩy cho vay xuất khẩu để tạo nguồn cung ngoại tệ, điều hành tỷ giá trung tâm phù hợp để ngăn đầu cơ tích trữ ngoại tệ của doanh nghiệp và ngân hàng thương mại…

Ngoài ra, công cụ mua - bán ngoại tệ kỳ hạn giao ngay hoặc có kỳ hạn cũng được NHNN đẩy mạnh trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp. Giải pháp cuối cùng, nếu cần thiết, NHNN sẽ sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để bán ngoại tệ can thiệp thị trường.

Còn về lãi suất, ông Tú đánh giá, lãi suất đang ở mức thấp nhất và nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo rằng, lãi suất quá thấp sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Chính sách tỷ giá có quan hệ chặt chẽ với lãi suất và việc cố gắng duy trì lãi suất thấp như hiện nay không đồng nghĩa với việc hy sinh tỷ giá vì lãi suất.

Theo ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, giai đoạn cao trào nhất của tỷ giá đã đi qua và nhà điều hành có thể sẽ “thắt” nhẹ một chút chính sách tiền tệ về cả định tính và định lượng. NHNN có 3 nhiệm vụ chính là ổn định tỷ giá, lạm phát  và duy trì tăng trưởng kinh tế. Việc bán USD về định lượng là thắt chặt, tăng lãi suất điều hành về mặt định tính cũng là thắt chặt. Trong bối cảnh tỷ giá áp lực, NHNN đã phải bán khoảng 500 - 700 triệu USD dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá, hay nói cách khác là thắt chặt về định lượng.

Với việc lạm phát gần 4%, khá sát với lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm, chuyên gia cho rằng, về trung hạn (đến hết năm 2024), chính sách tiền tệ sẽ phải trung dung, không thắt cũng không nới. Về ngắn hạn, có xác suất NHNN thắt chặt hơn một chút.

Cũng theo ông Báu, lãi suất huy động thấp là nguyên nhân tạo áp lực lên tỷ giá, chứ không phải lãi suất liên ngân hàng. Vì vậy, muốn giải quyết triệt để vấn đề tỷ giá, thì không nên để lãi suất huy động thấp như hiện nay, mà cần nâng lãi suất lên để kích thích người dân gửi tiền. Còn lãi suất huy động 4% như hiện nay là quá thấp.

Dự báo diễn biến từ nay đến cuối năm

TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, trong điều kiện của Việt Nam, giữ tỷ giá ổn định trong khoảng 3-4% là trong tầm tay của NHNN. Tuyệt nhiên không để cho mặt bằng lãi suất tăng cao để bù đắp việc biến động của tỷ giá hối đoái, đó là sự đánh đổi đắt giá nhất. Bởi vì, có thực tế là, khi tín dụng được mở ra, lãi suất giảm, thì doanh nghiệp đã ở tình trạng quá khó khăn. Do đó, nếu lãi suất vừa giảm xuống ở mặt bằng thấp, giờ lại tăng lên, thì sẽ rất khó.

Theo Shinhan Bank, cắt giảm lãi suất có thể gây ra áp lực tăng giá cả và biến động tỷ giá hối đoái. Khi các nước phát triển lớn, trong đó có Mỹ, đã kết thúc đợt tăng lãi suất, thì ở Việt Nam, NHNN có khả năng duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ông Pyon Young Hwan, Giám đốc phụ trách mảng giao dịch ngoại hối và phái sinh của Shinhan Việt Nam nhận định, do lượng dự trữ ngoại hối đã giảm mạnh và áp lực tỷ giá USD/VND tăng cao, nên NHNN sẽ thận trọng hơn trong các chính sách cắt giảm lãi suất trong tương lai. Mặc dù đối mặt nhiều yếu tố rủi ro, như giá dầu quốc tế tăng, giá lương thực tăng do biến đổi khí hậu, nhưng khả năng NHNN thay đổi lập trường chính sách tiền tệ là không cao.

Theo dự báo của Shinbank Bank, tỷ giá giảm dần sau khi ngân hàng trung ương các nước lớn bắt đầu cắt giảm lãi suất và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng lên. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tỷ giá có thể chậm hơn so với các nền kinh tế mới nổi khác do Fed trì hoãn việc cắt giảm lãi suất và triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm cải thiện.

Tin liên quan
Tin khác