Tại Hội thảo về xây dựng Thông tư ban hành nguyên tắc, tiêu chí xây dựng, cập nhật danh mục và hướng dẫn thanh toán thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc có kết hợp dược chất với các dược liệu, dược liệu, vị thuốc cổ truyền được thanh toán bảo hiểm y tế, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho hay, Việt Nam là nước có thế mạnh về thuốc y học cổ truyền.
Theo đó, việc sử dụng thuốc y học cổ truyền chiếm vai trò quan trọng tại các cơ sở y tế: 99,3% thuốc y học cổ truyền sử dụng tại các khoa, bệnh viện chuyên khoa y học cổ truyền.
Thời gian qua, tỷ trọng sử dụng thuốc y học cổ truyền trong tỷ trọng cơ cấu chi chung của thuốc đã giảm từ 7,5%, xuống 4,5%. |
Tuy nhiên, thời gian qua, tỷ trọng sử dụng thuốc y học cổ truyền trong tỷ trọng cơ cấu chi chung của thuốc đã giảm từ 7,5%, xuống 4,5%.
Nguyên nhân một phần do sau dịch Covid-19, việc mua sắm đấu thầu khó khăn, đứt gãy nguồn cung và cả từ sự cạnh tranh của thuốc tân dược.
Do vậy, cần có biện pháp để phát huy thế mạnh của y học cổ truyền với việc cập nhật danh mục thuốc y học cổ truyền đầy đủ hơn, cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế thuận lợi, mang tính đặc thù đối với lĩnh vực này và trên nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người bệnh, đáp ứng yêu cầu chuyên môn, cân đối quỹ.
Chi phí của thuốc y học cổ truyền chỉ chiếm tỷ trọng 4,5%, cao nhất cũng chỉ 7,5%, nên sẽ ưu tiên lựa chọn tối đa thuốc y học cổ truyền vào danh mục thuốc.
Đại diện Bộ Y tế cho biết nguyên tắc xây dựng tiêu chí lựa chọn thuốc y học cổ truyền vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế, là bảo đảm sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, hợp lý; đáp ứng nhu cầu điều trị của người tham gia bảo hiểm y tế, phù hợp khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.
Được biết, mục tiêu phát triển toàn diện y dược cổ truyền đến năm 2030 mà Việt Nam đặt ra là tăng tỷ lệ chi trả thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ quỹ bảo hiểm y tế trong tổng số chi phí cho thuốc.
Cụ thể, đến năm 2025 tối thiểu là 20% và đến năm 2030 là 30%; trong đó chi phí sử dụng dược liệu sẵn có tại địa phương trong chữa bệnh tối thiểu là 5% trong tổng số chi phí thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.
Tăng số lượng đề tài nghiên cứu khoa học về y dược cổ truyền được ứng dụng trong thực tiễn; chú trọng nghiên cứu chứng minh khoa học tác dụng chữa bệnh của y dược cổ truyền và các phương pháp chữa bệnh y dược cổ truyền có giá trị.
Tăng tỷ lệ dược liệu nuôi trồng trong nước, khuyến khích dược liệu nuôi trồng đạt thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (GACP - WHO); giảm dần tỷ lệ nhập khẩu dược liệu, thuốc cổ truyền.
Phát triển y dược cổ truyền khối tư nhân, tăng cường vai trò của các hội, hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực y dược cổ truyền…
Về phát triển nền y học cổ truyền, Ban Bí thư vừa ban hành Kết luận số 86-KL/TW về phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tại đây, nhiều giải pháp nhằm phát triển y học cổ truyền được nêu ra như đổi mới và nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam, góp phần bảo tồn, phát triển kho tàng y học dân tộc, truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam.
Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, tiếp tục cụ thể hóa chính sách về y học cổ truyền; đổi mới hệ thống quản lý, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ của y học cổ truyền gắn với du lịch chăm sóc sức khỏe.
Tăng cường đầu tư, chú trọng đào tạo, phát triển lương y, lương dược, bố trí đủ nhân lực từ Trung ương đến địa phương. Tăng cường công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực, thành phần tham gia phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam.
Phát triển hệ thống khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở; kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại; nghiên cứu, kiểm nghiệm, chứng minh hiệu quả các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, các bài thuốc, vị thuốc y học cổ truyền trong công tác phòng, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về dược liệu, thuốc y học cổ truyền liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong y học cổ truyền.
Quy hoạch, phát triển vùng nuôi, trồng dược liệu theo quy mô công nghiệp, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và bảo đảm an ninh, an toàn dược liệu;
Có chính sách đặc thù trong phát triển dược liệu, nhất là các dược liệu quý, dược liệu có giá trị kinh tế cao, gắn với phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Phát triển ngành công nghiệp dược liệu gắn với nghiên cứu khoa học, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến; chuyển giao công nghệ trong nuôi trồng dược liệu, sản xuất và tiêu dùng thuốc y học cổ truyền;
Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý dược liệu, tăng cường kiểm soát chất lượng dược liệu, kiên quyết đấu tranh phòng, chống các sản phẩm y học cổ truyền, dược liệu giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ;
Chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đẩy mạnh xây dựng và quảng bá hình ảnh, thương hiệu của y học cổ truyền Việt Nam; có chính sách xúc tiến thương mại để xuất khẩu các sản phẩm y học cổ truyền, bao gồm nhân lực chất lượng cao và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc ra quốc tế.