Hủy kế hoạch mua cổ phiếu
Ngày 25/5, Công ty An Gia (mã chứng khoán AGG) thông qua kế hoạch mua lại 15,5 triệu cổ phiếu AGG để giảm vốn điều lệ, với giá mua lại không cao hơn 29.000 đồng/cổ phiếu, mặc dù giá cổ phiếu khi đó chỉ giao dịch quanh vùng 28.000 đồng/cổ phiếu. Nguồn vốn thực hiện là thặng dư vốn, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối; giá mua dự kiến không cao hơn 29.000 đồng/cổ phiếu; dự kiến triển khai trong quý II, III, quý IV/2023.
Tuy nhiên, ngày 18/10, Công ty An Gia bất ngờ thông qua việc hủy bỏ phương án mua lại cổ phiếu trên với lý do điều kiện thị trường thay đổi và để phù hợp với kế hoạch kinh doanh của Công ty.
Được biết, tại thời điểm 30/6/2023, Công ty An Gia chỉ sở hữu 228,1 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 2,4% tổng tài sản (đầu năm ghi nhận 791 tỷ đồng). Trong khi đó, theo kế hoạch mua lại ban đầu 15,5 triệu cổ phiếu với giá tối đa 29.000 đồng/cổ phiếu, số tiền tối đa mà Công ty An Gia phải bỏ ra lên tới 449,5 tỷ đồng.
Như vậy, nếu không có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh mới bổ sung đáng kể, thì Công ty An Gia không có khả năng mua lại lượng cổ phiếu trên, dù cổ phiếu AGG đang bước vào chu kỳ giá xuống.
Kỳ vọng lớn rồi thất vọng sau gần 4 năm niêm yết
Công ty An Gia được niêm yết lần đầu ngày 9/1/2020 trên sàn HoSE. Đầu năm 2021, An Gia đưa ra kế hoạch tài chính giai đoạn 2021-2025 với mức tăng trưởng vượt bậc. Cụ thể, kế hoạch năm 2021 lãi 500 tỷ đồng, năm 2022 lãi 690 tỷ đồng và mục tiêu tới 2025 lãi 1.730 tỷ đồng, tăng 246% so với kế hoạch lãi năm 2021.
Tuy nhiên, đó chỉ là kỳ vọng, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 diễn ra ngày 31/3/2021, Công ty An Gia đã đặt kế hoạch doanh thu giảm còn 3.600 tỷ đồng và lợi nhuận giữ nguyên mức 500 tỷ đồng, đồng thời dựa trên bức tranh tài chính tăng trưởng để lên kế hoạch chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 827,5 tỷ đồng từ cổ đông (sau đó điều chỉnh tỷ lệ phát hành 25%, tương ứng chào bán 20,69 triệu cổ phiếu để huy động 206,9 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu).
Thực tế năm 2021, Công ty An Gia ghi nhận doanh thu 1.808,4 tỷ đồng, lợi nhuận 419,4 tỷ đồng, lần lượt bằng 50,2% và 83,9% so với kế hoạch đầu năm.
Trong đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi tiếp tục âm năm thứ 2 liên tiếp, với giá trị âm 185,15 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 9,35 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 175,8 tỷ đồng. Công ty tiếp tục thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính ghi nhận 610,1 tỷ đồng, tăng gần 37% so với cùng kỳ.
Trong năm 2021, Công ty An Gia tiếp tục ghi nhận thu nhập từ tăng giá trị hợp lý của khoản đầu tư là 145,6 tỷ đồng so với cùng kỳ 338,8 tỷ đồng; lãi từ thanh lý khoản đầu tư 255,4 tỷ đồng so với cùng kỳ là 71,3 tỷ đồng.
Công ty An Gia cho biết, trong năm 2021 đã mua thêm 80,48% vốn tại nhóm Công ty An Tường để tăng sở hữu từ 19,5% lên 99,98% vốn, chuyển từ khoản đầu tư khác sang thành đầu tư góp vốn vào công ty con và phát sinh 145,6 tỷ đồng từ nghiệp vụ đánh giá lại khoản đầu tư này.
Ngoài ra, cũng trong năm 2021, Công ty An Gia đã bán ra cổ phần để giảm sở hữu từ 30,01% còn 21,01%.
Bước sang năm 2022, Công ty An Gia đặt kế hoạch doanh thu 4.500 tỷ đồng và lãi 690 tỷ đồng. Tại Đại hội đồng cổ đông tổ chức ngày 15/4/2022, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 5.500 tỷ đồng và lãi 500 tỷ đồng, giảm 27,5% so với thời điểm đặt kế hoạch đầu năm 2021.
Mặc dù chỉ lên kế hoạch lãi 500 tỷ đồng, nhưng kết thúc năm 2022, khi doanh thu tài chính từ nghiệp vụ đánh giá lại khoản đầu tư và thanh lý một phần vốn góp giảm đáng kể, Công ty An Gia báo cáo lợi nhuận giảm tới 95,5%, tương ứng giảm 400,41 tỷ đồng, còn 18,97 tỷ đồng và hoàn thành có 4% kế hoạch lợi nhuận năm. Trong đó, riêng quý IV/2022, Công ty báo lỗ 185,6 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm 2023, Công ty An Gia ghi nhận doanh thu giảm 42,97%, chỉ đạt 1.865,86 tỷ đồng và lợi nhuận giảm 33%, còn 81 tỷ đồng.
Như vậy, dù liên tục đưa ra bức tranh tươi sáng cho giai đoạn 2021-2025, nhưng thực tế, lợi nhuận năm 2022 cũng như nửa đầu năm 2023 đã bộc lộ đà lao dốc.