Y tế - Sức khỏe
Việt Nam phải hành động ngay để bảo vệ giới trẻ khỏi nghiện thuốc lá
D.Ngân - 04/11/2024 16:37
Ngày 4/11, tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về kiểm soát thuốc lá của các nước khu vực ASEAN, lãnh đạo Bộ Y tế tiếp tục khẳng định quan điểm của ngành cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, Việt Nam là một trong số các quốc gia thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá thông qua việc ký kết tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 11/11/ 2004 và thông qua Luật Phòng, chống tác hại vào ngày 18/6/2012.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại Hội thảo.

Sau khi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực, các nhóm giải pháp về phòng chống tác hại thuốc lá được triển khai đồng bộ trên toàn quốc như truyền thông, giáo dục về hòng chống tác hại thuốc lá; thực hiện môi trường không khói thuốc lá; chính sách về thuế thuốc lá; cảnh bảo sức khoẻ; cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ các sản phẩm thuốc lá, cai nghiện thuốc lá …

Sau 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ và sự hỗ trợ chung tay các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, các tổ chức chính trị xã hội triển khai nhiều hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023.

Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm, trong đó, ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019, ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% (GYTS 2014) xuống còn 1,9% (GYTS 2022). Đồng thời, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể cả ở các hộ gia đình, nơi cộng cộng và nơi làm việc.

Tuy nhiên, công tác Phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, đặc biệt là nam giới trong khi đó các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá hút Shisha) đang làm gia tăng trong tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này ở đối tượng thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ.

Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023.

Hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá bán lẻ đối với sản phẩm thuốc lá của Việt Nam chỉ chiếm 38,8%, thấp hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là 70-75% giá bán lẻ.

Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá rất dễ dàng, thuốc lá được bán ở khắp mọi nơi làm cho công tác Phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam càng gặp khó khăn.

Để triển khai các giải pháp kiểm soát thuốc lá đạt hiệu quả, bên cạnh vai trò của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong nước thì sự hỗ trợ của các Tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng. Quan điểm của ngành Y tế nhất quán là cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới.

Thời gian qua, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá từ các tổ chức như Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Bloomberg, Liên minh phòng chống tác hại thuốc lá Đông Nam Á... qua đó đã góp phần vận động thành công việc xây dựng Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, thành lập được Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá để hỗ trợ cho các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá ....

Trước những thách thức hiện nay trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá và những ưu tiên về hoàn thiện các chính sách, tăng cường các giải pháp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá tại ASEAN nói chung và tại Việt Nam nói riêng, sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia trong khu vực theo lãnh đạo Bộ Y tế là vô cùng cần thiết.

Còn theo TS.Ulysses Dorotheo, Giám đốc Điều hành của SEATCA, Việt Nam, giống như các nước ASEAN khác, đang phải đối mặt với vấn đề gia tăng sử dụng các loại thuốc lá điện tử/thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ. Chính sách cấm thuốc lá điện tử/thuốc lá nung nóng là cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề này và tránh lặp lại sai lầm khi để nạn dịch thuốc lá gia tăng.

Hơn bốn mươi quốc gia và vùng lãnh thổ đã cấm thuốc lá điện tử/thuốc lá nung nóng. Tại ASEAN, Brunei, Campuchia, Lào, Singapore và Thái Lan đã ban hành lệnh cấm thuốc lá điện tử/thuốc lá nung nóng trong khi Indonesia, Malaysia và Philippines - những quốc gia đã nhượng bộ trước áp lực của ngành công nghiệp thuốc lá và cho phép bán và quảng cáo các sản phẩm gây hại và gây nghiện này - đang gặp nhiều khó khăn trong việc ứng phó với tình trạng hút thuốc điện tử ở giới trẻ.

Theo vị tiến sỹ, Việt Nam nên xem xét bài học từ các quốc gia này khi quyết định cấm hay quản lý các sản phẩm này. Trái ngược với tuyên bố của ngành công nghiệp thuốc lá, thuốc lá điện tử/thuốc lá nung nóng không an toàn.

Chúng chứa nicotine cùng các chất độc hại và gây ung thư khác. Các trường hợp tổn thương phổi liên quan đến việc sử dụng sản phẩm thuốc lá điện tử (EVALI) đang gia tăng trên toàn cầu, như trường hợp một thanh niên 22 tuổi người Philippines, đã tử vong đầu năm 2024 do tổn thương tim và phổi sau khi sử dụng thuốc lá điện tử hàng ngày trong hai năm. Thuốc lá điện tử/thuốc lá nung nóng cũng không phải là phương pháp hỗ trợ cai thuốc lá hiệu quả.

Những người hút thuốc cố gắng cai thuốc bằng cách sử dụng thuốc lá điện tử/thuốc lá nung nóng thường kết thúc bằng việc sử dụng cả thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường.

Ngoài ra, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử có khả năng bắt đầu hút thuốc lá thông thường cao gấp ba lần. Một số quốc gia cấm thuốc lá điện tử/thuốc lá nung nóng có tỷ lệ hút thuốc thấp nhất thế giới, như Singapore (10,1%), Brazil (9,1%) và Hồng Kông (9,5%).

“Bằng cách điều chỉnh các chiến lược kiểm soát thuốc lá của mình phù hợp với Công ước Khung của WHO về Kiểm soát Thuốc lá, thực hiện chính sách cấm thuốc lá điện tử/thuốc lá nung nóng và áp dụng thuế thuốc lá mạnh hơn, Việt Nam có thể giảm đáng kể số lượng người trẻ nghiện nicotine. Những biện pháp này rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe và lợi ích của các thế hệ tương lai," TS.Dorotheo nhấn mạnh.

Cuộc họp cũng nêu bật thuế thuốc lá là một chiến lược kiểm soát thuốc lá hiệu quả về chi phí và đã được chứng minh, lưu ý rằng Việt Nam có mức giá thuốc lá rẻ nhất khu vực ASEAN, với giá chưa đến 1 USD mỗi gói, làm cho thuốc lá dễ tiếp cận với nhiều người, bao gồm cả giới trẻ.

WHO khuyến nghị Việt Nam tăng thuế thuốc lá bằng cách bổ sung một khoản thuế cụ thể vào mức thuế hiện tại, bắt đầu từ 5.000 VND (0,20 USD) mỗi bao thuốc lá vào năm 2026 và tăng lên đến 15.000 VND (0,59 USD) mỗi bao thuốc lá vào năm 2030. Điều này sẽ làm cho giá thuốc lá tăng lên để có thể hạn chế người sử dụng thuốc lá và khuyến khích mọi người bỏ thuốc.

Ở Việt Nam, khoảng 16 triệu người trưởng thành hút thuốc, dẫn đến 100.000 ca tử vong do thuốc lá mỗi năm. Sử dụng thuốc lá tiêu tốn của quốc gia 108,2 nghìn tỷ đồng (4,6 tỷ USD) hàng năm do chi phí y tế và mất năng suất lao động.

Ngoài việc áp dụng thuế thuốc lá và cấm thuốc lá điện tử/thuốc lá nung nóng Việt Nam cũng cần bảo vệ bộ máy và các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá khỏi sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá.

Ý kiến của bà Tan Yen Lian, Cán bộ Quản lý Thông tin và Dữ liệu của SEATCA nhấn mạnh, hiện 8 quốc gia ASEAN có luật để bảo vệ các chính sách y tế công cộng của họ khỏi sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá. Việt Nam cũng nên xây dựng và thực hiện chính sách quốc gia về cách chính phủ tránh các tương tác không cần thiết với ngành công nghiệp thuốc lá. 

Tin liên quan
Tin khác