Doanh nghiệp
Vissan dự kiến không chia cổ tức năm 2020
Hồng Phúc - 18/06/2020 10:12
Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan, mã: VSN) trình cổ đông kế hoạch không chia cổ tức năm nay nhằm tăng năng lực tài chính thực hiện các dự án đang triển khai.

Theo kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2020, Vissan trích quỹ đầu tư phát triển tối thiểu 15% lợi nhuận sau thuế. 

Cùng với đó, không thực hiện chia cổ tức nhằm tăng năng lực tài chính thực hiện dự án di dời và đổi mới công nghệ nhà máy giết mổ gia súc, chế biến thực phẩm tại Long An và đầu tư máy móc thiết bị sản xuất năm 2020. 

Kết quả kinh doanh của Vissan giai đoạn 2016-2019.

Năm 2019, Vissan ghi nhận kết quả kinh doanh kỷ lục sau 46 năm đi vào hoạt động, với tổng doanh thu gần 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 226 tỷ đồng (bao gồm hoàn nhập quỹ phát triển khoa học cộng nghệ 20 tỷ đồng).

Theo tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2019, Vissan sẽ trích quỹ đầu tư phát triển 15% (tương đương 26,7 tỷ đồng), 69,1 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng phúc lợi và xấp xỉ 40,5 tỷ đồng chia cổ tức (5%).

Cộng với lợi nhuận còn lại của các năm trước, Vissan còn gần 72 tỷ đồng lợi nhuận còn lại sau khi phân phối. 

Về dự án di dời và đổi mới công nghệ nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm tại Long An, ông Nguyễn Ngọc An, Phó Chủ tịch HĐQT/Tổng giám đốc Vissan cho biết, dự kiến đến quý II/2022 sẽ hoàn thành việc lắp đặt và vận hành chạy thử dây chuyền giết mổ heo công suất 360 con/giờ.

Cùng thời điểm này sẽ hoàn thành toàn bộ các hạng mục của công trình, tiến hành nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng công trình Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan.

Ban lãnh đạo Vissan kỳ vọng đến năm 2023 sẽ thực hiện di dời máy móc, thiết bị tại TP.HCM đến nhà máy mới tại Long An và thực hiện các thủ tục kiểm toán, quyết toán dự án.  

Kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2020-2024 của Vissan.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên của Vissan được tổ chức sáng nay tại trụ sở công ty, ông Nguyễn Ngọc An nhận định, giá nguyên liệu heo hơi sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2020, sau đó giảm dần ở năm 2021 và đi vào ổn định từ năm 2022 do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.

Giá nguyên liệu bò hơi và các nguyên vật liệu sản xuất khác tương đối ổn định do Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại quốc tế nên nguồn nguyên liệu nhập khẩu sẽ dồi dào, giá cả cạnh tranh.

Do đó, ban lãnh đạo Vissan đánh giá, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty sẽ đi vào ổn định từ năm 2021.

"Vissan dự kiến đưa nhà máy chế biến tại Long An đi vào hoạt động đầu năm 2024, vì vậy chi phí từ năm 2024 sẽ tăng cao, đặc biệt là chi phí lãi vay và chi phí khấu hao. Lợi nhuận dự kiến sẽ giảm so với năm 2023, tuy nhiên việc đưa nhà máy này đi vào hoạt động sẽ giúp Vissan tăng năng lực sản xuất cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng các dòng sản phẩm cung cấp ra thị trường", ông Nguyễn Ngọc An nói.

Dự án di dời và đổi mới công nghệ nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm tại Long An của Vissan gồm 02 công trình:
  • Văn phòng điều hành kinh doanh của Vissan và các kho trung chuyển (3,5 hecta).
  • Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan (hơn 22 hecta).

Tổng mức đầu tư: 1,587 tỷ đồng, bao gồm:

  • Văn phòng điều hành kinh doanh của Vissan và các kho trung chuyển tại khu công nghiệp Tân Tạo: 279,7 tỷ đồng.
  • Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan tại Long An: 1.307 tỷ đồng.
Nguồn vốn:
  • 30% vốn chủ sở hữu của Vissan.
  • 70% vốn vay huy động từ ngân hàng hoặc các tổ chức tài trợ khác.
Tin liên quan
Tin khác