Sản xuất tại Nhà máy Piaggio Việt Nam (Khu công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Ảnh: Đức Thanh |
Dòng dịch chuyển chưa rõ ràng
EVFTA chuẩn bị có hiệu lực cùng Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) được kỳ vọng giúp Việt Nam đón thêm dòng vốn đầu tư chất lượng từ các nhà đầu tư EU. Tuy nhiên, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại, dòng dịch chuyển vốn từ cú hích hiệp định thương mại tự do (FTA) này sẽ chưa thể xuất hiện.
Đánh giá về cơ hội đón vốn EU, ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, sự dịch chuyển vốn từ các nhà đầu tư châu Âu sang Việt Nam sẽ chưa thể tăng nhanh trong thời gian tới.
“Trao đổi với một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn, họ cho biết, xu hướng dịch chuyển là có, nhưng vẫn đang cân nhắc trong các quốc gia ASEAN, hoặc có thể là quốc gia Nam Á như Ấn Độ”, ông Minh nói.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/6, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019. Điểm đáng chú ý là, dòng vốn FDI vào Việt Nam trong tháng 6/2020 đã tăng trở lại, nhưng chưa thấy rõ được làn sóng chuyển dịch đầu tư.
Tổng hợp ý kiến của các thành viên EuroCham, ông Nguyễn Hải Minh cho biết, các nhà đầu tư châu Âu đang quan tâm đến 3 nhân tố chủ chốt của Việt Nam, và coi như “thỏi nam châm” để hút đầu tư trong thời gian tới. Đó là cải thiện kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và môi trường đầu tư, kinh doanh.
Cụ thể, một trong những vấn đề mà Ủy ban châu Âu cũng như Nghị viện châu Âu quan tâm hàng đầu là cam kết của Việt Nam về tạo thuận lợi thương mại cho hoạt động xuất nhập khẩu. Trong đó, yếu tố tiên quyết là minh bạch hóa thông tin và các quy định về hải quan.
Nhà đầu tư thận trọng
Thận trọng trong việc ra quyết định đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh tác động xấu đến môi trường kinh doanh toàn cầu là điều tất yếu với các doanh nghiệp. Do vậy, việc đánh giá xu hướng dịch chuyển đầu tư từ EU chưa rõ ràng, kể cả khi đã có EVFTA, là dễ hiểu.
Khảo sát của EuroCham trong quý I/2020 về chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) cho thấy, Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đáng kể đến cộng đồng doanh nghiệp châu Âu. Điều này cũng tương tự với tình hình chung của cả thế giới, do Covid-19 đã tác động mạnh đến thương mại và đầu tư quốc tế.
Theo đó, BCI đã giảm xuống mức thấp nhất, xuống còn 26 điểm so với mức 77 điểm ghi nhận vào quý IV/2019.
EuroCham cho biết, kết quả này trực tiếp phản ảnh tác động của đại dịch. Theo đó, 55% doanh nghiệp được hỏi nói rằng, môi trường kinh doanh đang "không tốt" hoặc "rất xấu". Có đến 93% doanh nghiệp nói Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động, với hơn một nửa đánh giá ở mức "đáng kể". Ba tác động tiêu cực nhất bao gồm: giảm lượng khách hàng, đơn hàng; suy giảm doanh thu; đứt gãy chuỗi cung ứng.
Để có những cái “bắt tay” hợp tác, EuroCham cho biết, hai bên sẽ xúc tiến thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - châu Âu nhằm hội tụ sức mạnh của doanh nghiệp 2 phía, cũng như cụ thể hóa những chiến lược, dự án đầu tư trong tương lai.
Trước mắt, dòng vốn kỳ vọng gia tăng là nhờ việc tăng vốn và đầu tư mở rộng của một số dự án đã có tại Việt Nam. Chẳng hạn, có thể chờ đợi đầu tư giai đoạn II của Nhà máy Giết mổ và Chế biến gia cầm xuất khẩu Viet AVIS do Liên doanh Việt Nam - Hungary triển khai. Giai đoạn I của dự án này đã khánh thành cuối năm ngoái tại Thanh Hóa.
Giai đoạn I của nhà máy có công suất giết mổ 4.500 con gia cầm/giờ với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Dự kiến, giai đoạn II, nhà máy sẽ nâng công suất giết mổ lên 8.000 - 9.000 con gia cầm/giờ. Cùng với giết mổ là những dây chuyền chế biến thịt gia cầm khép kín, bảo đảm tiêu chuẩn châu Âu phục vụ xuất khẩu.
Đánh giá về khả năng đón vốn từ châu Âu, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, với những dự án trong lĩnh vực nông nghiệp được đầu tư bài bản như Dự án Viet AVIS, hy vọng chủ đầu tư sẽ sớm triển khai tiếp giai đoạn II nhằm tận dụng thời cơ kinh doanh.
Còn theo phân tích của ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Phái đoàn EU tại Việt Nam, FDI thường theo sau quan hệ thương mại mạnh mẽ. Ở chiều ngược lại, nhiều vốn FDI hơn sẽ làm gia tăng trao đổi thương mại giữa các đối tác.
“Cả hai hiệp định trên đều mang đến cho Việt Nam cơ hội trở thành một trung tâm sản xuất của khu vực. So với các nền kinh tế tương đồng trong khu vực, Việt Nam có lợi thế của người đi trước, đó là có từ 7 - 10 năm với đặc quyền tiếp cận thị trường EU. Chỉ có Singapore, nước đã ký kết và phê chuẩn FTA trước Việt Nam, ở vào vị trí thuận lợi tương tự”, ông Giorgio Aliberti nhận định.