Một năm, hai trạng thái
Tính đến phiên giao dịch ngày 18/12/2023, chuỗi bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài trên sàn chứng khoán Việt Nam đã nối dài đến phiên thứ 14. Những phiên giao dịch cuối năm mang màu sắc ảm đạm: khối ngoại chưa ngừng bán, khối nội thận trọng giao dịch. Đều đặn hàng trăm tỷ đồng, thậm chí vượt trên 1.500 - 1.600 tỷ đồng trong phiên 5/12 và phiên hoàn tất cơ cấu danh mục của 2 quỹ ETF ngoại (15/12), động thái của khối ngoại một lần nữa lại khiến giới đầu tư chú ý.
Tròn một năm trước, cũng ở giai đoạn cuối năm, dòng vốn ngoại mua ròng mạnh mẽ hàng chục phiên liên tục. Đây là điểm sáng hiếm hoi của thị trường trong bối cảnh VN-Index liên tục giảm sâu trước lo ngại về những bất ổn trên thị trường trái phiếu.
Tính chung cả năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân ròng vào thị trường 29.238 tỷ đồng. Trước đó, nhóm này đã bán ròng 18.794 tỷ đồng trong năm 2020 và xác lập kỷ lục bán ròng tới 62.237 tỷ đồng năm 2021.
Còn ở thời điểm hiện tại, khi chỉ còn chục ngày nữa khép lại năm tài chính 2023, gần như chắc chắn, khối ngoại lại quay trở lại trạng thái bán ròng. Giá trị bán ròng của khối ngoại trên sàn chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay đã vượt trên 20.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chứng khoán Việt Nam không phải nơi duy nhất chịu áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Thống kê của Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư (Công ty cổ phần Chứng khoán SSI - SSI Research) cho thấy, giá trị bán ròng của khối ngoại tại Việt Nam ở mức thấp so với các thị trường khác. Trong 11 tháng đầu năm 2023, nhóm này đã rút ròng tới 5,4 tỷ USD ở thị trường Thái Lan, hơn 877 triệu USD ở Indonesia...
Đồng thời, theo bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research, tỷ trọng giao dịch của khối ngoại từ đầu quý II/2023 duy trì ổn định quanh ngưỡng 8%. Mức thấp như vậy được cho là tác động không lớn đến thị trường về mặt điểm số.
Tuy nhiên, việc khối ngoại giao dịch tập trung ở một số cổ phiếu có quy mô vốn hoá lớn cũng tác động đến VN-Index một số phiên và tác động tâm lý đến các nhà đầu tư cá nhân.
Xu hướng bán ròng sẽ đảo chiều?
Phân tích về trạng thái bán ròng của khối ngoại thời gian qua, Giám đốc SSI Research cho biết, giá trị bán ròng mạnh của khối ngoại đến từ sự đảo chiều rút ròng từ các quỹ ETF và xu hướng chung của các quỹ đầu tư đa quốc gia rút khỏi các thị trường mới nổi. Trong khi đó, đối với quỹ chủ động ở Việt Nam, trạng thái rút ròng chỉ ở mức nhẹ trong 4 tháng gần đây.
Nguyên nhân được chỉ ra là sự chênh lệch lãi suất thực của Mỹ và các quốc gia khác, nhất là khi chính sách tiền tệ của Việt Nam phân kỳ với chính sách tiền tệ của Mỹ.
Bên cạnh đó, theo bà Phương, khối ngoại bán ròng còn một phần bởi hoạt động chốt lời sau giai đoạn mua ròng mạnh cách đây một năm (tập trung từ 11/2022 đến tháng 1/2023), với tổng giá trị lên đến 32.500 tỷ đồng.
Sản phẩm chứng chỉ lưu ký DR FUEVFVND01 dựa trên chứng chỉ quỹ DCVFM VNDiamond ETF giao dịch trên sàn chứng khoán Thái Lan từng thu hút nhà đầu tư nước này cuối năm ngoái. Tuy nhiên, lượng chứng chỉ lưu ký đã giảm mạnh, từ mức đỉnh 185 triệu chứng chỉ DR FUEVFVND01 hồi đầu năm 2023, xuống còn 155 triệu đơn vị vào tháng 9/2023 và hiện ở quanh khoảng 165 triệu đơn vị.
Xu hướng tương tự cũng xảy ra với chứng chỉ lưu ký dựa trên VFMVN30.
Lực bán từ các nhà đầu tư Thái Lan được đánh giá là khá lớn. Theo ông Bùi Văn Tốt, Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM), động thái giao dịch của các nhà đầu tư Thái Lan một phần do chính sách thuế mới áp thuế thu nhập cá nhân với khoản đầu tư nước ngoài bắt đầu áp dụng đầu năm 2024. Chính sách trên có thể thúc đẩy nhóm này “chốt lời” sớm trước khi bắt đầu năm mới.
Cổ phiếu MWG - chiếm tỷ trọng lớn trong rổ danh mục VNDiamond ETF - cũng nằm trong Top 3 bị bán ròng trong năm 2023. Giá cổ phiếu này đã giảm 15% từ đầu năm và 28% từ mức đỉnh trong năm thiết lập hồi tháng 9/2023. MWG đã chính thức bị đánh bật khỏi Top 20 vốn hoá thị trường.
Ngoài ra, Top bán ròng năm nay còn có cổ phiếu của Eximbank, chủ yếu do hoạt động thoái vốn từ cổ đông chiến lược lâu năm Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). Cổ phiếu VPBank bị bán ròng mạnh, nhưng vẫn gia tăng đáng kể tỷ lệ sở hữu của nước ngoài nhờ đợt phát hành riêng lẻ tăng vốn.
Ở chiều ngược lại, vẫn có nhiều cổ phiếu được khối ngoại săn đón, được bổ sung khi cơ cấu danh mục như cổ phiếu hai doanh nghiệp đứng đầu ngành thép (HPG và HSG) hay DGC, FRT, VCG… Hay riêng nhóm tài nguyên cơ bản được mua ròng hơn 6.000 tỷ đồng từ đầu năm.
Sau những tín hiệu mới từ cuộc họp của Fed cùng một số ngân hàng trung ương lớn mới đây, giới đầu tư toàn cầu dành nhiều kỳ vọng vào xu hướng đảo chiều và hạ dần lãi suất điều hành của các nước phát triển.
Bà Hoàng Việt Phương đánh giá, dòng tiền vào cổ phiếu sẽ có khả năng bứt phá khi cơ cấu lại phần vốn đầu vào ròng từ các quỹ tiền tệ năm qua. Do đó, thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, sẽ được hưởng lợi phần nào.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của VPBankS Research cũng kỳ vọng, đợt tái cấu trúc dòng vốn trên toàn cầu có thể hoàn tất chậm nhất vào đầu năm sau. Sau đó, dòng vốn này có thể tái phân bổ tới những thị trường khác. Các thị trường giữ được tốc độ tăng trưởng tốt hơn so với khu vực có thể trở thành điểm đến của dòng vốn đầu tư.