Ảnh minh họa |
Số hóa cơ sở dữ liệu
Chia sẻ tại Hội thảo Thúc đẩy hình thành chuỗi đô thị động lực thông minh vùng Đồng bằng sông Hồng kết nối khu vực và thế giới, do Ban Kinh tế Trung ương và UBND TP. Hải Phòng phối hợp tổ chức mới đây, ông Kok-Chin Tay, Chủ tịch Smart Cities Network Singapore cho rằng, cần có một bản sao số của thành phố thông minh. Điều này là cần thiết để các cơ quan quản lý có thể liên thông dữ liệu dưới dạng 3D.
“Những thông tin thực tế được số hóa bằng hình ảnh, trên cơ sở đó, chúng ta có thể thấy rõ được những vấn đề của thực trạng đô thị để có thể giải quyết một cách trực quan ngay trên nền tảng số, giúp quá trình thực hiện quy hoạch, giám sát và điều hành được sát thực tế”, ông Kok-Chin Tay nói.
Liên quan đến yếu tố dữ liệu, TS. Phạm Thái Sơn, chuyên gia về phát triển đô thị tại UN Habitat và Đại học Việt Đức cho rằng, vấn đề cốt yếu để xây dựng thành phố thông minh, cũng như xây dựng chuỗi đô thị thông minh của vùng chính là xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu đồng nhất và có tính chia sẻ.
Đến nay, trên cả nước đã có 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Gần 40 tỉnh đã phát triển một số dịch vụ về đô thị thông minh; 17/63 tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng hoặc đồng ý về chủ trương xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; 17/63 tỉnh, thành phố đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, khoảng trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị, ngoài ra còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục thông minh, y tế thông minh...
Nguồn kinh phí xã hội hóa và nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện các dự án đô thị thông minh chiếm 50-90%.
Từ thực tế của địa phương mình, ông Nguyễn Văn Chương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện Cổng dịch vụ công quốc gia đã được đưa vào hoạt động, nhưng sự đồng bộ giữa dữ liệu của địa phương với của bộ, ngành Trung ương vẫn chưa đầy đủ, nên có những dịch vụ đến hạn phải đưa lên tích hợp trên Cổng dịch vụ vẫn chưa thể thực hiện được. Hay như câu chuyện làm quy hoạch thì cái gốc là sử dụng đất đai, nhưng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia chưa có.
“Giữa cái mong muốn của chúng ta so với điều kiện công nghệ thông tin hiện tại là một khoảng cách chưa thể đáp ứng được”, ông Chương nhận định.
Còn ông Lương Hải Âu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng chia sẻ: “Hiện Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh Thành phố đang hoạt động thí điểm xây dựng dữ liệu, quản lý về tàu cá, hàng hóa ra vào cảng, giao thông, y tế... Trung tâm vẫn chưa thể phát huy hết hiệu quả mong muốn bởi còn vướng sự kết nối, chia sẻ hệ thống dữ liệu dùng chung. Thành phố vẫn còn hạn chế trong cơ sở dữ liệu chuyên ngành và đang trong quá trình số hóa dữ liệu”.
Đồng bộ các ứng dụng theo quy chuẩn mở
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, Trưởng phòng Chiến lược và Kế hoạch phát triển đô thị (Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng), mới có 2/3 địa phương trong cả nước lập đề án và triển khai xây dựng thành phố thông minh, nhưng cũng mới chỉ ở mức độ triển khai các ứng dụng về dịch vụ đô thị thông minh.
Phân tích về nội dung này, ông Phùng Hoàng Dương, Tổng giám đốc Signify Việt Nam cho rằng, muốn xây dựng được thành phố thông minh và chuỗi đô thị thông minh thì bản thân nội tại dữ liệu của thành phố đó, của chuỗi đó phải kết nối được với nhau. Nhưng hiện tại, việc cơ sở dữ liệu số hóa chưa được xây dựng hoàn thiện, chưa thể chia sẻ liên thông để phục vụ việc phân tích dữ liệu. Chưa kể, chính việc phát triển và sử dụng các ứng dụng dịch vụ một cách riêng rẽ, không theo một quy chuẩn nhất định nên không thể kết nối hay điều chỉnh khi cần. Hay nói cách khác, khâu hạ tầng thôi cũng đã có sự vênh nhau.
“Việc xây dựng đô thị thông minh phải nhấn mạnh tính kết nối khu vực và quốc tế. Nếu một thành phố chỉ thông minh trong bản thân thành phố đó, mà không tiếp cận với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, các hệ thống tiêu chuẩn thì cũng rất khó. Nếu không, chúng ta chỉ là tiêu dùng các công nghệ số mà không tiếp cận được các hệ thống, vì định hướng về mặt dài hạn, các hệ thống đô thị thông minh phải có tính kết nối khu vực và quốc tế. Xây dựng đô thị thông minh, chúng ta đảm bảo tính kết nối của từng cấu phần của bản thân đô thị, bản thân giữa các đô thị thông minh trong nước với nhau và tiến tới kết nối với khu vực và quốc tế thì mới đạt yêu cầu”, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.