Sắc xanh áp đảo, VN-Index lập đỉnh mới
Thị trường mở cửa phiên giao dịch đầu năm mới đầy khởi sắc khi chỉ số của cả ba sàn chứng khoán đều đóng cửa trong sắc xanh. VN-Index tăng điểm trong toàn bộ phiên giao dịch và đóng cửa tăng 27,3 điểm (+1,82%) lên 1.525,58 điểm, bỏ xa mức kỷ lục từng thiết lập hôm 26/11 (1.511,68 điểm). Tương tự, chỉ số sàn UPCoM cũng “băng băng” đi lên và đóng cửa ở mức 113,7 điểm, tăng 0,91% so với phiên cuối năm.
Trong khi đó, HNX-Index “đồng nhịp” với xu hướng giao dịch của cổ phiếu THD (ThaiHoldings – đơn vị có quy mô vốn hóa thị trường 92.120 tỷ đồng lớn nhất sàn HNX). THD đã tăng kịch biên độ trong phiên cuối năm 2021 nhờ đó đẩy HNX-Index xác lập mức cao kỷ lục. Đến phiên hôm nay, với mức giảm 4,98% ở thời điểm đóng cửa, cổ phiếu này góp gần 7,96 điểm giảm. Tuy nhiên, sắc xanh phủ rộng ở đa số cổ phiếu sàn HNX, nhất là ở một số cổ phiếu bất động sản ngân hàng như CEO, NVB, L14… là nguyên nhân chính giúp chỉ số này vẫn đóng cửa tăng nhẹ 0,02% lên 474,1 điểm.
VN-Index vượt đỉnh ngay phiên đầu năm 2022 |
Trên sàn HoSE, cổ phiếu tác động tích cực nhất đến chỉ số là cổ phiếu nhà VIN. VIC - cổ phiếu của doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất trên sàn tăng 6,2% và cũng góp tới 6,07 điểm tăng; VHM tăng 3,78% và cũng góp 3,6 điểm tăng. Ngoài ra, nhóm tác động tích cực đến chỉ số nhiều nhất còn có một số cổ phiếu ngân hàng(CTG, TCB, TPB) hay cổ phiếu ngành năng lượng như POW (điện), GAS (phân phối khí gas).
Không riêng cổ phiếu nhóm VIN, sắc xanh cũng áp đảo ở nhóm bất động sản – xây dựng. Nhiều cổ phiếu tăng kịch biên độ như CEO, DIG, ITC, QCG… Dòng dầu khí đã bật mạnh trong phiên hôm nay. Trong đó, cổ phiếu “ông lớn” PVGas tăng 5,9%; PVOil tăng 5,8% hay PLX (+3,7%), PVD (+4,9%), PVS (+3,3%), BSR (+3,9%)… Nhóm cổ phiếu điện cũng mở cửa phiên đầu năm ấn tượng. POW là cổ phiếu duy nhất trong nhóm VN30 tăng kịch biên độ. Cùng nhóm này, một số cổ phiếu tăng mạnh như QTP (+7,9%), PGV (+7,4%), GEG (+6,8%), NT2 (+2,9%)…
Cũng trong ngày đầu năm mới, sức nóng từ nghị trường Quốc hội với kỳ họp bất thường lần thứ nhất năm 2022 tổ chức 4/1-11/1/2022 cũng là thông tin được thị trường chứng khoán trông đợi. Theo Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, tổng quy mô hỗ trợ của Chương trình gồm hỗ trợ tài khóa 291.000 tỷ đồng, hỗ trợ tiền tệ khoảng 46.000 tỷ đồng, hỗ trợ qua các quỹ khác 10.000 tỷ đồng.
Một số giải pháp hỗ trợ khác cũng được dự kiến triển khai, như hỗ trợ qua chính sách tiền tệ (giải pháp giảm lãi suất cho vay, gia hạn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội…) và các chính sách khác như giảm tiền điện, nước, cước viễn thông.
Cũng tại kỳ họp bất thường, Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ; cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đầu thấu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Khối ngoại mua ròng phiên thứ 5 liên tiếp, giải ngân nhiều nhất cổ phiếu nhà Vingroup
Thanh khoản của thị trường ở mức khá trong phiên bật tăng mạnh hôm nay. Giá trị giao dịch trên ba sàn đạt 34,088.46 tỷ đồng, trong đó giá trị khớp lệnh đạt 31.604 tỷ đồng, tăng 9,3% so với phiên cuối tuần trước. Tại lễ đánh công phiên giao dịch chứng khoán đầu năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết số lệnh giao dịch trong phiên có thời điểm đã tăng lên 2,5 triệu lệnh, tiến sát mức giới hạn 3 triệu lệnh/phiên. Do đó, ngành chứng khoán tới đây sẽ triển khai gói thầu để mở rộng và luôn luôn đón đầu, không để hệ thống giao dịch bị nghẽn mạch, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho thị trường chứng khoán.
Cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất phiên là GEX. Tăng trần trong phần lớn thời gian gaio dịch, đã có hơn 4,5 triệu cổ phiếu được sang tay phiên 4/1 với giá trị hơn 1.130 tỷ đồng. Một số cổ phiếu cũng được giao dịch mạnh như STB (1.063 tỷ đồng), HPG (942 tỷ đồng), SSI (866 tỷ đồng)…
Điểm tích cực là các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng liên tục trong 6 phiên, xác lập chuỗi mua ròng kéo dài hiếm hoi trong xu thế bán ròng rã cả năm qua. Giá trị mua ròng cũng ở mức cao (478 tỷ đồng). Cổ phiếu được tập trung giải ngân nhiều nhất là VIC (218 tỷ đồng), VRE (110 tỷ đồng) hay một số cổ phiếu ngân hàng như CTG (95 tỷ đồng), STB (62 tỷ đồng)… Top 10 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất đều đóng cửa tăng giá. Ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng CII thu về 277 tỷ đồng. Tuy nhiên, áp lực chốt lời trên vẫn không kéo giảm cổ phiếu này. CII giao dịch ở mức kịch biên độ trong phần lớn phiên giao dịch và giữ vững đến thời điể đóng cửa.