Vẫn còn nhiều doanh nghiệp không muốn sử dụng chứng từ điện tử, hồ sơ điện tử, hóa đơn điện tử. Ảnh: Đ.T |
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) đánh giá, ngành tài chính đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ - thông tin trong công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc…
“Không phải cứ có tiền đầu tư vào công nghệ - thông tin là có thể áp dụng ngay công nghệ - thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước, nhằm cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu phiền hà, chi phí cho tổ chức, cá nhân. Quan trọng hơn cả là người đứng đầu các đơn vị phải tâm huyết với nhiệm vụ “điện tử hóa quản lý nhà nước” và những người thực thi phải đầu tư công sức, thời gian thỏa đáng cho nhiệm vụ được giao”, ông Tuấn nhận định.
Tuy nhiên, đánh giá về giao dịch điện tử nói chung, giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính nói riêng, ông Đinh Công Nghiệp, Trưởng ban Pháp chế, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội cho rằng, trong rất nhiều trường hợp, chứng từ, hồ sơ điện tử trên thực tế vẫn thực hiện theo phương thức giấy truyền thống trong môi trường điện tử.
Ông Nghiệp dẫn chứng, doanh nghiệp niêm yết dù đã làm báo cáo tài chính điện tử, đáp ứng đầy đủ điều kiện về chứng từ điện tử, nhưng khi nộp báo cáo tài chính cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì vẫn phải nộp bản giấy.
“Theo quy định của Nghị định 27/2007/NĐ-CP, khi cần thiết (cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu), chứng từ điện tử có thể chuyển sang chứng từ giấy, nhưng phải có chữ ký và họ tên của người chuyển từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy. Tức là vẫn phải có chữ ký tươi của người có thẩm quyền và có con dấu của doanh nghiệp “triện” vào. Nếu vậy thì doanh nghiệp làm ngay báo cáo tài chính bằng giấy từ đầu để đỡ mất công chuyển đi, chuyển lại”, ông Nghiệp phát biểu.
Chuyên gia về lĩnh vực thuế - hải quan, bà Đặng Thị Bình An, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Nghị định 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính đã có hiệu lực 10 năm, nhưng đến giờ nhiều doanh nghiệp cũng không muốn sử dụng chứng từ điện tử, hồ sơ điện tử, hóa đơn điện tử. Lý do là dù doanh nghiệp có điện tử hóa các loại giấy tờ, cơ quan tài chính (thuế, kho bạc, hải quan) chấp thuận hóa đơn điện tử, hồ sơ điện tử của doanh nghiệp, nhưng khi hàng hóa của doanh nghiệp lưu thông trên đường, các cơ quan quản lý nhà nước khác (công an, quản lý thị trường, chống buôn lậu) vẫn yêu cầu doanh nghiệp xuất trình hồ sơ, chứng từ, hóa đơn bằng giấy.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, hiện có 118/300 thủ tục hành chính về thuế được thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4. Trên 99,8% trong tổng số gần 567.770 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước tham gia khai thuế qua mạng; khoảng 97% doanh nghiệp đăng ký tham gia nộp thuế điện tử.
Đối với lĩnh vực hải quan, hiện 100% các quy trình thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa trên phạm vi toàn quốc tới cấp chi cục; 119/168 thủ tục hành chính về hải quan được thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4. Khoảng 99,7% doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử.
“Muốn doanh nghiệp tham gia tích cực vào môi trường điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cần phải có quy định rằng, cơ quan quản lý nhà nước, khi cần thiết phải tự truy xuất vào cổng thông tin để kiểm tra hóa đơn, hồ sơ và các loại giấy tờ cần thiết khác về giao dịch của doanh nghiệp, chứ không thể bắt doanh nghiệp đã điện tử hóa rồi vẫn phải in thêm bản giấy, có chữ ký, “dấu mộc”của người có thẩm quyền”, bà An đề xuất.
Không phải chỉ có các cơ quan ngoài ngành tài chính, theo bà An, nhiều cơ quan thuế đã kiểm tra hồ sơ, hóa đơn điện tử của doanh nghiệp, nhưng vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải “ôm” toàn bộ tài liệu giấy sang để kiểm tra lại. “Điện tử hóa quản lý nhà nước làm sao phải tiết giảm tối đa thời gian, chi phí công sức, tiền bạc cho doanh nghiệp, đừng bắt doanh nghiệp đã điện tử hóa mà vẫn phải thực hiện công việc của hóa đơn, hồ sơ truyền thống”, bà An phát biểu.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính thừa nhận, các quy định trong Nghị định 27/2007/NĐ-CP thiên về mô phỏng thực hiện theo phương thức giấy tờ truyền thống trên môi trường điện tử, chưa mạnh dạn khai thác lợi thế của phương thức điện tử như xử lý tự động, giảm thao tác thủ công và can thiệp của con người, nên hạn chế tính hiệu quả của việc triển khai giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. “Xử lý tất cả các bất cập này chính là mục tiêu của việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định 27/2007/NĐ-CP”, ông Hùng cho biết.