Trước tình hình dịch đau mắt đỏ đang hoành hành ở nhiều địa phương trên cả nước, ngày 25/9, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế; các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc về việc bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ.
Cục Quản lý dược, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh các thuốc điều trị đau mắt đỏ và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu phát hiện), đặc biệt lợi dụng dịch bệnh để tăng giá. |
Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các địa phương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương, chủ động thực hiện mua sắm các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ theo các hình thức phù hợp.
Các địa phương bảo đảm sẵn sàng cung ứng kịp thời thuốc phục vụ điều trị, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc. Đối với các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.
Bên cạnh đó, Sở Y tế các tỉnh, TP cũng có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn bán thuốc theo đơn và chịu trách nhiệm hướng dẫn người dân khi mua thuốc, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng của thuốc để bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu phát hiện), đặc biệt là các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.
Cùng với đó, Cục Quản lý dược cũng đề nghị các bệnh viện, viện khẩn trương, chủ động thực hiện mua sắm các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ, bảo đảm sẵn sàng cung ứng kịp thời thuốc phục vụ điều trị. Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc, kinh doanh thuốc cần chủ động triển khai kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thuốc.
Nói về dịch đau mắt đỏ đang hoành hành, PGS-TS.Lê Xuân Cung, Trưởng khoa Kết - Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương cho hay, hàng năm khi nắng nóng thường xảy ra dịch đau mắt đỏ hay còn gọi viêm kết mạc cấp. Tuy nhiên, năm nay, dịch nặng và kéo dài hơn, hiện đã mùa thu nhưng dịch vẫn đang kéo dài.
Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, hằng tuần ghi nhận 700-800 ca đến khám một tuần. Trung bình 100 bệnh nhân khám thì có khoảng 20-30 bệnh nhân đau mắt đỏ. Năm nay có nhiều ca biến chứng nặng, tỷ lệ lên tới 15-20% tổng số ca được chẩn đoán đau mắt đỏ.
Dịch đau mắt đỏ cấp thường do virus gây ra, khi người bệnh bị nhiễm thì dịch tiết từ mắt và đường hô hấp chứa nhiều virus. Và khi dịch tiết bắn ra ngoài, sang người khác lây bệnh.
Về chẩn đoán bệnh tương đối đơn giản với triệu chứng mắt ngứa, cộm đỏ, sưng nề, chảy nhiều dịch, thường thị lực không giảm mà chỉ khó nhìn. Viêm kết mạc bản thân lành tính, nếu bệnh nhân đến sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, nhiều ca đến viện muộn, tự mua thuốc về tra mắt, điều trị phản khoa học xông lá trầu không, lá dâu, gây nhiều biến chứng như loét giác mạc, khi đó bệnh trở nặng nên sẽ phải điều trị nội trú để được theo dõi chặt chẽ hơn.
Bên cạnh đó, các bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương thời gian vừa qua có nhiều bệnh lý khác nhau như viêm giác mạc chấm nông, viêm kết mạc, viêm loét giác mạc, viêm giác mạc kẽ, viêm giác mạc sợi… trong đó viêm loét giác mạc chiếm tỷ lệ nhiều và có nhiều biến chứng nặng nhất.
Mọi năm, bệnh nhân đến khám do xuất huyết kết mạc là chủ yếu, mặc dù biểu hiện rầm rộ nhưng bệnh lại lành tính. Trong khi đó, năm nay các bệnh nhân chủ yếu đến khám do viêm giác mạc. Điều này ảnh hưởng tới thị lực rất lớn.
Với trẻ nhỏ, TS. Hoàng Cương, Phó Trưởng ban Truyền thông, Bệnh viện Mắt Trung ương cho hay, do miễn dịch của trẻ chưa phát triển, phản ứng phù nề mắt rất dữ dội.
Một số trường hợp bệnh nhi chảy máu mắt do giả mạc, khi đó phải bóc giả mạc, có thể gây chảy máu và bệnh nhân có giả mạc thường khỏi không nhanh được như thông thường, khiến cha mẹ rất sốt ruột.
"Nếu trẻ có giả mạc sẽ gây viêm loét giác mạc, bội nhiễm. Nếu trẻ đến bệnh viện muộn thì có thể bị hỏng một bên mắt, do đó, chăm sóc trẻ nhỏ bệnh nhi phức tạp hơn, công phu hơn", TS.Cương cho hay.
Trong quá trình thăm khám, các bác sĩ cũng nhận định năm nay tình trạng trẻ mắc đau mắt đỏ lâu khỏi hơn, vì có nhiều trường hợp sau thời gian dài điều trị ở nhà hoặc điều trị tuyến dưới không thấy khỏi bệnh mới tới bệnh viện khám thì đã gặp biến chứng. Ngoài ra, các bác sĩ vẫn gặp các ca chủ quan, đến khám muộn, cứ chờ khỏi theo tự nhiên.
Đau mắt đỏ sẽ khỏi theo tự nhiên sau 7-10 ngày, nhưng nếu lâu hơn sẽ có nguy cơ biến chứng, khó điều trị hơn. Khi đó, trẻ cần phải được khám chuyên khoa mắt để được dùng thuốc chống viêm, tăng cường miễn dịch chống bội nhiễm. "Viêm kết mạc cũng có thể dễ gây biến chứng và cần đi khám để có chỉ định dùng thuốc phù hợp”, TS.Cương nói.
Theo chuyên gia này, trong nhiều trường hợp, mặc dù được phát hiện và điều trị kịp thời nhưng bệnh vẫn gây biến chứng viêm giác mạc, thậm chí gây viêm loét giác mạc (phần lòng đen của nhãn cầu).
Đây là biến chứng nặng và thường xảy ra ở những trường hợp: Người có sức đề kháng yếu (người già, trẻ nhỏ), những người không tuân thủ tốt điều trị, những trường hợp viêm kết mạc cấp nặng (mi sưng phù nhiều, có giả mạc).
Trước thực tế nêu trên, các bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Trung ương đặc biệt khuyến cáo, khi trẻ đỏ mắt, đầu tiên là đi khám, đặc biệt trong vụ dịch đang diễn biến phức tạp.
Bệnh đau mắt đỏ có thể nhầm bệnh khác, ví dụ như viêm do nội nhãn, viêm màng bồ đào, do đó, đỏ mắt mà chưa chắc đã phải mắc viêm kết mạc cấp.
Khi trẻ mắt sưng, chảy nước mắt có dịch hồng sẽ có nguy cơ có giả mạc, cần phải bóc giả mạc. Sau khi dùng thuốc 2-3 ngày không đỡ, vẫn đỏ sưng thì người đau mắt cần phải khám lại.