Ông Nguyễn Hải Nam, Trưởng khoa kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội, cho biết, CDC Hà Nội đã giám sát tất cả các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh đậu mùa khỉ. Nếu có biểu hiện sốt trên 37 độ C, khách nhập cảnh sẽ được kiểm tra dịch tễ theo quy định.
Hà Nội đang tăng cường công tác phòng chống bệnh đầu mùa khỉ tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài. |
Theo ông Nguyễn Hải Nam, 4 cửa xuất, nhập cảnh đều được kiểm soát dịch bệnh y tế quốc tế. Mỗi ngày, gần 100 chuyến bay nhập cảnh tương ứng 16.000 lượt hành khách được giám sát thân nhiệt và các biểu hiện của bệnh truyền nhiễm.
Cụ thể, mỗi vị trí kiểm soát dịch bệnh y tế đều được trang bị đầy đủ trang thiết bị vật tư y tế ban đầu xử trí các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội đã chỉ đạo phối hợp với bệnh viện trung ương và bệnh viện đầu ngành truyền nhiễm là Bệnh viện đa khoa Đống Đa cách ly điều trị ca bệnh đậu mùa khỉ (nếu có) theo quy định, giám sát chặt chẽ không để lây lan trong cộng đồng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền từ động vật sang người. Đường lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp gần là lây qua vết thương hở, giọt bắn hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ như khu vực Trung và Tây Phi cần tránh tiếp xúc với động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam, người dân cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn kịp thời.
Bệnh đậu mùa khỉ (Monkeypox) là một căn bệnh hiếm gặp, do virus có “họ hàng” với bệnh đậu mùa phổ biến gây ra. Bệnh được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 ở những con khỉ và bùng phát bệnh giống như thủy đậu. Do đó, bệnh này được gọi là đậu mùa khỉ.
Có 2 chủng đậu mùa khỉ phổ biến: Chủng Congo thường có biểu hiện nặng hơn, tỷ lệ tử vong là 10%;
Chủng thứ hai tập trung ở Tây Phi, chủng này biểu hiện ít nghiêm trọng, thường gây tử vong với tỷ lệ 1% người mắc bệnh. Hiện nay các bệnh nhân ở Anh hầu hết mắc chủng đậu mùa Tây Phi.
Phần lớn người bệnh đậu mùa khỉ sẽ hồi phục hoàn toàn trong vòng 2 đến 4 tuần. Virus đậu mùa khỉ không dễ lây truyền như Covid-19, được đánh giá rất khó gây ra đại dịch với mức độ tương đương.
Để phòng chống dịch đậu mùa khỉ Bộ Y tế yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ và các hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ; chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ; phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế.
Tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu; giám sát chủ động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, lưu ý lồng ghép giám sát, dự phòng với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giám sát tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, da liễu, các cơ sở y tế công lập và tư nhân cung cấp các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS.
Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, điều trị, phòng, chống lây nhiễm bệnh mpox.
Rà soát, cập nhật kế hoạch, kịch bản phòng, chống theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng, chống dịch.
Tăng cường thông tin, truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế (kèm theo), tập trung truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao.
Tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các địa phương.
Các viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh truyền nhiễm phân tích, đánh giá, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch đậu mùa khỉ tại các địa phương để kịp thời phát hiện các trường hợp bệnh, chùm ca bệnh, nguồn lây bệnh, tác nhân gây bệnh mới, bất thường (nếu có).
Chủ động báo cáo, tham mưu Bộ Y tế thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Rà soát, sẵn sàng các thiết bị, sinh phẩm, kỹ thuật xét nghiệm phục vụ chẩn đoán, điều trị.
Tiếp tục tổ chức tập huấn, hỗ trợ địa phương về giám sát, xử lý ổ dịch, điều trị các trường hợp mắc bệnh; hỗ trợ công tác lấy mẫu, kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán bệnh.
Chủ động, sẵn sàng thuốc, thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp phân loại, thu dung, điều trị, phòng, chống dịch.
Về phía người dân, để phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân 6 biện pháp như: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời; đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ, cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ/mắc bệnh, động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Được biết, trong năm 2024, đặc biệt trong 2 tháng gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận sự gia tăng cao bất thường số trường hợp mắc bệnh Đậu mùa khỉ (mpox) tại Cộng hòa Dân chủ Công Gô.
Từ đầu năm đến nay, nước này đã nghi nhận khoảng 15.600 trường hợp mắc, trong đó có trên 537 trường hợp tử vong;
Vi rút mpox nhánh Ib (Clade Ib) đang là nhánh trội trong đợt dịch tại nước này, bước đầu ghi nhận có một số đặc điểm dịch tễ của bệnh khác biệt so với các đặc điểm dịch tễ trong vụ dịch trước đó xảy trong năm 2022-2024 tại khu vực châu Âu và một số quốc gia khác như các trường hợp mắc trẻ hơn (khoảng 50% ở độ tuổi dưới 15 tuổi, khoảng 39 % trẻ dưới 5 tuổi), có sự lây truyền qua nhóm mại dâm nữ (7,5%) và có sự lây nhiễm trong các thành viên trong hộ gia đình.
Ngoài ra, 4 nước giáp với Cộng hòa Dân chủ Công Gô (Burundi, Kenya, Rwanda and Uganda) đã lần đầu ghi nhận các trường hợp mắc mpox có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch bệnh mpox đang xảy ra tại Cộng hòa Dân chủ Công Gô. Hai nước khác ngoài khu vực châu Phi (Thụy Điển, Pakistan) cũng ghi nhận trường hợp mắc mpox nhánh Ib.
Trước diễn biến của dịch mpox lần này và nguy cơ lây lan sang các quốc gia khác, WHO đã công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế (PHEIC) đối với dịch bệnh mpox ngày 14/8/2024.