Thời sự
Y tế cơ sở: Hành động cho mục tiêu mới
Bích Thuỷ - 01/12/2019 09:26
Ngành y tế đang trong quá chuẩn bị một số chương trình mới bắt đầu triển khai thực hiện vào năm 2020 nhằm tăng cường hơn nữa mạng lưới y tế cơ sở trong thời gian tới, hướng tới nâng tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe lên 90% vào năm 2025.

Tại Hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân và triển khai các nhiệm vụ y tế trọng tâm cuối năm 2019 tổ chức mới đây, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết Bộ Y tế đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 2 dự án: Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở sử dụng vốn ODA của ADB, tổng mức đầu tư 110,6 triệu USD và Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở vay vốn WB, tổng mức đầu tư 110 triệu USD.

“Các chương trình, dự án này đã được Chủ tịch nước đồng ý cho phép đàm phán Hiệp định với nhà tài trợ, dự kiến các Hiệp định tài trợ sẽ hoàn thành điều kiện công bố hiệu lực vào quý 4 năm 2019, bắt đầu triển khai thực hiện vào năm 2020,” lãnh đạo Bộ cho biết.

Trạm y tế xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội

Những cải thiện mới

Với vai trò hết sức quan trọng, góp phần giảm tải bệnh viện tuyến trên, y tế cơ sở đã được đưa vào nghị quyết 20 của Bộ Chính trị và thực hiện thí điểm 26 xã, 8 tỉnh. Đây là cơ sở để nhân rộng triển khai toàn quốc.

Theo thống kê của ngành Y tế, hiện có đến 35,4% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở tuyến Trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh, huyện; 41,5% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã.

Trong thời gian qua, y tế cơ sở đã có bước cải thiện đáng kể, đã có khoảng 90% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, 95% trạm y tế xã có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh, 99,7% xã có cơ sở trạm, 99% thôn, bản, ấp có nhân viên y tế hoạt động, 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Nhiều tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định 2348 và Nghị quyết Trung ương 20: 1379/CTr-BYT. Một số tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch nhân rộng theo mô hình điểm. Nhiều trạm y tế xã được đầu tư, nâng cấp từ các nguồn ngân sách địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ODA, EU-BYT; ADB...

Nhiều tỉnh đã thực hiện lập hồ sơ sức khỏe cá nhân. Nhiều trạm y tế xã đã quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm (NCD) như huyết áp, tiểu đường… Tỷ lệ khám chữa bệnh tăng từ 2-3 lần, nhiều trạm y tế xã đạt 30-50 người/ngày, có trạm hàng trăm lượt khám.

Ngành cũng đã tích cực triển khai và nhân rộng mô hình 26 trạm y tế xã điểm theo nguyên lý y học gia đình với các hoạt động nhằm đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ.

Hành động cho mục tiêu mới

Mặc dù có những thay đổi quan trọng, mạng lưới y tế cơ sở tuy rộng khắp nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao (cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực chuyên môn còn hạn chế), chưa đáp ứng được sự thay đổi của mô hình bệnh tật. Chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân, đặc biệt ở tuyến dưới, người dân chưa tin tưởng vào y tế cơ sở.  

Để đạt được mục tiêu tăng tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe lên 90% vào năm 2020, và 95% vào năm 2030; nâng tỷ lệ trạm y tế xã thực hiện quản lý, điều trị một số bệnh NCD lên 95% năm 2025, và 100% năm 2030 như ngành y tế đề ra đòi hỏi nhiều nỗ lực và hành động hơn nữa từ các bộ, ngành, tỉnh thành phố.

Để nhân rộng mô hình điểm trạm y tế cơ sở, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố xây dựng, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt, bố trí ngân sách đê triên khai nhân rộng; rà soát, lựa chọn các trạm y tế xã để đầu tư, nhân rộng, ưu tiên các trạm y tế xã có đủ nhân lực, có điều kiện, nhu cầu của người dân để khi đầu tư, nâng cấp xong hoạt động ngay theo nguyên lý y học gia đình.

Về đầu tư, Bộ Y tế sẽ sẽ đẩy nhanh tiến độ 2 dự án do ADB, và WB tài trợ. Các tỉnh nên xây dựng kế hoạch trung hạn; bố trí, đăng ký vốn thực hiện từ nguồn vốn ODA.

Về nhân lực, đào tạo, sẽ xây dựng, thực hiện kế hoạch luân phiên, luân chuyển từ trung tâm y tế - trạm y tế xã và ngược lại, giữa các trạm y tế. Bộ Y tế phê duyệt, bố trí ngân sách để các bệnh viện trung ương đào tạo cầm tay chỉ việc, chuyển giao kỹ thuật cho trạm y tế xã. Các tỉnh cần xây dựng kế hoạch để giao bệnh viện, cơ sở y tế tuyến trên của tỉnh đào tạo cho trạm y tế xã; làm việc với các bệnh viện trung ương, tuyến cuối đề nghị đào tạo.

Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục triển khai Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cán bộ y tế xã, phường. Triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở.

Tin liên quan
Tin khác