CTCP Tập đoàn Yeah1 (mã YEG) vừa quyết định thực hiện việc phân phối toàn bộ 1,77 triệu cổ phiếu quỹ để bổ sung nguồn vốn kinh doanh và đầu tư phát triển.
Thời gian giao dịch cụ thể chưa được công bố, nhưng dự kiến sẽ tiến hành sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận và sau 7 ngày làm việc kể từ ngày Yeah1 công bố thông tin giao dịch.
Công ty dự kiến thực hiện giao dịch trên sàn thông qua phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Ước tính, với giá cổ phiếu đóng cửa ngày 26/8 (50.300 đồng/cổ phiếu), số tiền Yeah1 dự kiến thu về là gần 90 tỷ đồng. Trong khi đó, hồi tháng 7/2019, Công ty đã bỏ ra gần 142 tỷ đồng để mua số cổ phiếu này, tương đương mức giá bình quân 79.860 đồng/cổ phiếu.
Nếu diễn biến giá cổ phiếu không nhiều đột biến, khả năng cao Yeah1 không thu hồi lại được bằng số vốn đã chi ra hơn một năm trước. Mức chênh lệch dự kiến là 54 tỷ đồng. Khoản này sẽ làm giảm thặng dư vốn cổ phần của công ty.
Kết thúc quý II vừa qua, Yeah1 đã dành gần 308 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần để xóa lỗ lũy kế. Số thặng dư này từng có được nhờ công ty chào bán cổ phần với giá cao hơn nhiều lần mệnh giá trong giai đoạn trước, đến nay vẫn còn 824 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính của Yeah1 sau soát xét, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ Yeah1 giảm so với báo cáo tự lập và chỉ còn ghi nhận 402 triệu đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/06 do đó lại âm 560 triệu đồng. Công ty chưa thể xóa sạch lỗ lũy kế dù đã chủ động dùng nguồn vốn thặng dư trước đây. Với kết quả trên, cổ phiếu YEG sẽ vẫn nằm trong nhóm bị cảnh báo và không được ký quỹ.
Năm 2019, do ảnh hưởng của sự cố YouTube chấm dứt hợp tác, Yeah1 đã phải chịu khoản lỗ kỷ lục 385 tỷ đồng làm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối bị âm 305,4 tỷ đồng. Việc này khiến cho cổ phiếu của tập đoàn bị đưa vào diện cảnh báo và không được giao dịch ký quỹ.
Nửa đầu năm nay, doanh thu thuần của Yeah1 đạt 437 tỷ đồng, giảm 40,3% so với cùng kỳ, đặc biệt do giảm mạnh hoạt động quảng cáo trên kênh truyền hình. Dịch bệnh diễn ra khiến các doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu đã ảnh hưởng đến nguồn thu của Yeah1. Đồng thời, doanh thu tài chính cũng giảm mạnh từ 47,2 tỷ xuống 13,5 tỷ đồng do giảm lãi tiền gửi, tiền cho vay và trái phiếu. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng 25% quyền sở hữu app Mega1 đã mang về 70 tỷ đồng cho Yeah1.
So với thời điểm đầu năm, quy mô tài sản của công ty đã giảm đi tới 300 tỷ đồng, hiện còn xấp xỉ 1.220 tỷ đồng. Các tài sản như tiền và tiền gửi ngân hàng đều giảm mạnh, tổng cộng giảm từ 530 tỷ đồng xuống 120 tỷ đồng. Phần lớn tài sản đang nằm ở công nợ phải thu ngắn hạn, tồn kho, chi phí trả trước… Trong khi đó, Yeah1 cũng đang đặt ra nhiều kế hoạch đầu tư và kinh doanh mới như tái cấu trúc công ty bằng việc gộp nhiều mảng kinh doanh và tài sản quan trọng để thành lập Giga1. Khi đó, công ty chỉ còn hai mảng kinh doanh chính là truyền thông (Yeah1 Media) và thương mại đa kênh (Giga1).
Tham vọng của Giga1 là trở thành nền tảng thương mại đa kênh đi thẳng từ nhà máy tới người tiêu dùng cuối, gia tăng doanh số bán hàng và tăng quyền lợi cho người tiêu dùng nhờ việc giảm chi phí bán hàng (PR - Marketing, khuyến mãi, kênh phân phối,...). Yeah1 cũng tính đến việc huy động vốn nhưng cũng nhấn mạnh điều kiện tiên quyết là tỷ lệ sở hữu tại pháp nhân phải giữ ở mức 75% và định giá của Giga1 ít nhất 60 triệu USD. Với giá cổ phiếu hiện tại, vốn hóa thị trường của Yeah1 cũng chỉ khoảng 62 triệu USD.