“Cõng vốn” lên non
Với phương châm tranh thủ tối đa nguồn vốn từ Trung ương, tích cực huy động vốn từ ngân sách địa phương, huy động vốn từ tổ tiết kiệm và vay vốn và tiết kiệm từ dân cư, sau 15 năm hoạt động, đến nay, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bố Trạch, Quảng Bình đạt trên 442 tỷ đồng, nợ quá hạn là 375 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,08% tổng dư nợ, huy động tiết kiệm từ các tổ chức cá nhân; tại điểm giao dịch xã và thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn đạt trên 58 tỷ đồng...
Nhờ đồng vốn tín dụng, nhiều hộ gia đình ở huyện Bố Trạch vươn lên thoát nghèo bền vững. |
Tại bản Người A Rem, thuộc xã Tân Trạch, Ngân hàng Chính sách xã hội là đơn vị duy nhất cung cấp tín dụng đến với bà con dân tộc thiểu số. Tại đây, gánh nặng gia đình hầu như dồn lên đôi vai người phụ nữ. Cái đói, cái nghèo và sự túng thiếu như sợi dây vô hình ghì chặt những mảnh đời nơi đây.
Chính vì vậy, ngay từ ngày thành lập, Ngân hàng Chính sách xã hội đã dành nhiều công sức cho vùng đất này. Hồi đó, dù nhiều lần phải đi về tay trắng, song cán bộ tín dụng không ngừng phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương vận động bà con đổi mới nếp nghĩ, cách làm, vay vốn sản xuất.
“Chúng tôi thường xuyên theo sát người dân để ‘cầm tay chỉ việc’, nói cho dân hiểu và làm theo. Từ đó, người dân tích lũy được vốn kiến thức để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo”, ông Nguyễn Chí Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch nói và cho biết, so với năm 2003, số hộ của bản đã tăng gần gấp đôi, với 97 hộ, trong đó 91 hộ đồng bào dân tộc. Nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã đến với 62 hộ gia đình nơi đây để phát triển chăn nuôi và 20 hộ gia đình vay vốn làm nhà ở.
Thành quả đáng mừng
Sau những nỗ lực ấy, sức sống mới đang hiện lên trong từng nếp nhà mái tôn đỏ tươi của người A Rem. Điển hình như gia đình anh Đinh Cất, được vay 5 triệu đồng vốn ưu đãi hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn và 30 triệu đồng hộ nghèo để chăn nuôi và trồng rừng hiệu quả, đến nay, ông đã có một gia tài với 7 bò, đàn dê 15 con.
Với 15 chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đang được triển khai, đến nay đã có trên 79.537 lượt hộ gia đình tại huyện Bố Trạch được vay vốn, tạo việc làm cho 30.000 lao động. Trong đó, hơn 41.029 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; gần 2.500 lao động vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; hơn 10.900 học sinh, sinh viên có điều kiện theo học tại các trường đại học, cao đẳng trung học chuyên nghiệp.
Cùng với đó, hơn 12.600 lượt hộ gia đình vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để xây dựng 25.000 công trình nước sạch và công trình vệ sinh góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt, sức khỏe; gần 4.000 lượt hộ gia đình vay vốn hỗ trợ sản xuất - kinh doanh tại vùng khó khăn…
Những con số ấn tượng ấy đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 24,0% năm 2005 xuống còn 7,44% năm 2017 theo chuẩn mới và cơ bản không còn hộ đói, không còn hộ ở nhà tạm. Để phấn đấu giảm nghèo bền vững, năm 2018, huyện Bố Trạch đặt chỉ tiêu giảm nghèo 1,8%, đưa tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2018 còn 5,64%.