Amazon Global Selling có nhiều động thái chắp cánh cho nhiều sản phẩm "Made in Vietnam" vươn ra toàn cầu |
Sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn đường bay quốc tế, Hội chợ Vietnam Expo 2022 là một trong những sự kiện đầu tiên đón tiếp các doanh nghiệp và khách mua hàng quốc tế tới làm việc trực tiếp.
Khoảng 410 doanh nghiệp của Việt Nam và quốc tế đến từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm với quy mô 380 gian hàng, tăng 110 doanh nghiệp và 80 gian hàng so với năm trước.
Theo thống kê của Bộ Công thương, trong năm 2021, giá trị xuất, nhập khẩu của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục, đạt 670 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Kết quả đó, không thể bỏ qua sự góp tay tích cực của các hoạt động xúc tiến thương mại, với nhiều hình thức xúc tiến mới, phù hợp, bảo đảm lưu thông, cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu và đẩy mạnh xuất nhập khẩu.
Đặc biệt, thương mại điện tử đang là một kênh tỏ rõ hiệu quả thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu đa dạng các thị trường. Việc sàn Alibaba và Amazon cùng xuất hiện tại Viet Nam Expo 2022 cho thấy cuộc đua thu hút các doanh nghiệp Việt đang nóng hơn bao giờ hết.
Theo ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc khu vực phía Bắc Amazon, sau khi tham dự Vietnam Expo 2021, Amazon Global Selling Vietnam nhận thấy đây là cơ hội để gặp gỡ các doanh nghiệp không chỉ có mặt tại sự kiện, mà còn tiếp cận hàng nghìn lượt khách tìm tới Amazon để tìm hiểu các cơ hội hợp tác kinh doanh.
Trong khi đó, ông Vũ Thế Tùng, phụ trách phát triển thị trường Alibaba.com tại Việt Nam đang đặt kỳ vọng rất lớn vào công cuộc chuyển đổi số của các doanh nghiệp.
Theo ông, thị trường xuất khẩu Việt Nam hiện đang được hưởng rất nhiều thuế suất ưu đãi từ các Hiệp định FTA như EVFTA hay RCEP hay những hiệp định thương mại khác mà Việt Nam đã ký kết.
Alibaba đang có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm của mình.
Cụ thể, Alibaba hiện có mức giá ưu đãi ở thị trường Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những gói dành cho khu vực doanh nghiệp này của Alibaba có giá cạnh tranh và tốt hơn so với các sàn thương mại khác. Alibaba cũng mở rộng đại lý của mình tại Việt Nam để hỗ trợ về training, phân tích và thống kê thị trường bằng tiếng Việt cho các doanh nghiệp trong nước.
Alibaba hiện có khoảng 26 triệu nhà nhập khẩu đến từ 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các mặt hàng thực phẩm chế biến, nông sản là 2 nhóm danh mục hàng hóa được người tiêu dùng, những công ty nhập khẩu trên khắp thế giới tìm tới các nhà bán hàng nhiều nhất trên sàn Alibaba.
Ông Tùng cho rằng, việc chuyển đổi số nói chung và việc áp dụng thương mại điện tử trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nói riêng sẽ giúp các công ty, hợp tác xã của Việt Nam đa dạng hóa danh mục khách hàng.
Sàn Alibaba tập hợp các doanh nghiệp bán buôn xuyên biên giới nên rất phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam. Đến năm 2025, Alibaba muốn có hơn 10.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam xuất khẩu trực tuyến trên nền tảng này.
Theo ông Tùng, Alibaba sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu bằng cách giúp hạ thấp các rào cản, quảng bá sản phẩm.
Trong khi đó, Amazon cũng đang cho thấy những chiến lược thúc đẩy sự tăng trưởng ở Việt Nam. Bởi Việt Nam đang được coi là một trong những cường quốc sản xuất và xuất khẩu.
Được biết, chiến lược tăng trưởng của Amazon trong thời gian tới tập trung vào quảng bá dịch vụ hoàn thiện của mình cho các nhà cung cấp Việt Nam và đào tạo họ, như hướng dẫn trên YouTube.
Công ty cũng cho biết mức tăng trưởng ở Việt Nam cao hơn ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines. Hàng xuất khẩu “Made in Vietnam” liên tục tăng trưởng, các danh mục bán chạy nhất là đồ gia dụng, nhà bếp, quần áo và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và cá nhân.
Từ tháng 6/2021, Amazon đã đẩy mạnh việc tuyển dụng người bán tại Việt Nam khi “gã khổng lồ” thương mại điện tử Mỹ đang có ý định nhằm vào “sân sau” của Alibaba.
Việc tập trung vào Việt Nam là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Amazon nhằm khai thác các nhà cung cấp ở châu Á. Do khách hàng nước ngoài bị hạn chế, số lượng thương nhân từ Việt Nam xuất khẩu hàng hóa trị giá ít nhất 1 triệu USD đang tăng trưởng nhanh.
Sự gia tăng của thương mại điện tử đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể vận chuyển hàng hóa đến thẳng người tiêu dùng nước ngoài, một xu hướng mà Amazon đang mong muốn tăng tốc.
Tại Việt Nam, Amazon và Alibaba đều đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ để tuyển dụng các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các thị trường tương ứng.
Amazon có một lợi thế khi nước Mỹ là khách hàng lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, Alibaba lại là một công ty tiên phong trong việc đưa các thương gia nhỏ vào cửa hàng trực tuyến của mình ở Trung Quốc trước khi mở rộng ra nước ngoài.
Mô hình kinh doanh của Alibaba giống như một chợ điện tử. Trang web bán hàng lớn nhất của họ là Taobao, chuyên cung cấp nền tảng cho người bán và người mua trao đổi hàng hóa. Trang web này không lấy hoa hồng từ người bán nhưng muốn xếp hạng ở vị trí cao hơn trên website, người bán phải trả một khoản phí nhất định.
Bên cạnh đó, họ cũng sở hữu Tmall, nơi những người bán buôn trên toàn thế giới có thể giao thương, mua hàng từ các đại lý Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam cũng là thị trường bán lẻ lớn của công ty Trung Quốc, công ty sở hữu Lazada, một nền tảng thương mại điện tử mạnh mẽ chỉ sau Shopee của SEA. Đó là một lợi thế rất lớn của Alibaba trong việc mở rộng và phát triển ở Việt Nam.