Khó đẩy vốn cho vay ồ ạt
Đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng đạt 12,2%. Như vậy, room tín dụng theo phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% vẫn còn 1,8%, cộng gần 2% tăng thêm sẽ có khoảng 3,8%. Đây là dư địa khá lớn cho các ngân hàng thương mại cấp vốn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho hay, hạn mức tăng thêm này được ví như dòng nước giải tỏa cơn hạn hán. Thế nhưng, khả năng hấp thụ cũng là thách thức, vì không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện để tiếp cận.
Trong khi đó, ngân hàng phải kiểm soát chặt đường đi của dòng vốn trong bối cảnh room tín dụng hạn chế và rủi ro nợ xấu có dấu hiệu gia tăng, nhất là khi thị trường bất động sản đang gặp khó khăn.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, thời điểm này, các doanh nghiệp cũng cần rà soát và cơ cấu lại danh mục kinh doanh, xác định những khoản mục nào cần tập trung, khoản mục nào nên thu hẹp, cần phải duy trì sản xuất ổn định, không nên mở rộng đầu tư. Phía ngân hàng cũng phải rà soát, đánh giá khả năng cho vay để đảm bảo an toàn, an ninh tiền tệ của cả hệ thống.
Áp lực cân đối nguồn cho vay
Công ty Chứng khoán SSI nhận định, việc nới hạn mức tín dụng trong năm 2022 sẽ chỉ giải quyết một phần nhỏ vấn đề ở thời điểm hiện tại. Dư địa để các ngân hàng thương mại cấp tín dụng tại thời điểm hiện tại là có, song vấn đề phần nhiều đến từ các tiêu chí cho việc giải ngân cho vay có được nới không.
Áp lực cho việc cân đối vốn từ phía các ngân hàng là rất lớn, trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều do chênh lệch huy động vốn - tín dụng ở mức âm. Tăng trưởng tín dụng đến nay đã trên 12%, trong khi tăng trưởng huy động vốn chưa tới 5%. Chênh lệch huy động vốn - tín dụng chưa có nhiều cải thiện, nên việc nới trần tín dụng phù hợp hơn để gia hạn khoản vay cũ, thay vì dành cho các khoản vay mới.
Chênh lệch tín dụng và huy động âm cộng với nhu cầu vốn đáp ứng hoạt động kinh doanh và thanh toán thời điểm cuối năm khiến mặt bằng lãi suất tiền gửi chưa có dấu hiệu dừng. Cuộc chạy đua lãi suất huy động thời gian qua cũng đã cho thấy sự căng thẳng khi các ngân hàng phải tăng cường bù đắp nguồn vốn cho phần cho vay ra trong 9 tháng đầu năm cũng như áp lực thanh khoản cuối năm.
Thực tế từ báo cáo của ngân hàng, chênh lệch huy động vốn và tín dụng đã xuống mức âm kể từ tháng 7/2022, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng vốn huy động khiến tỷ lệ dư nợ tín dụng trên huy động (LDR) tại các ngân hàng tăng cao.
SSI cũng cho biết, áp lực cho việc cân đối vốn từ phía các ngân hàng là rất lớn, trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều. Tỷ lệ LDR thuần tại nhiều ngân hàng đã vượt ngưỡng 100% như MSB, Techcombank, VIB hay VPBank. Trong khi đó, có 6 ngân hàng có tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng huy động vượt 85% là BIDV, VietinBank, MB, Techcombank, VPBank và Saigonbank.
TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, trong ngành ngân hàng hiện nay, tổng nguồn vốn ngắn hạn trên 80% và 20% còn lại là vốn tự có và các nguồn vốn trung và dài hạn. Trong khi đó, ngành ngân hàng đang phải cho vay 50% tổng dư nợ cho nền kinh tế là vốn trung và dài hạn. Điều này dẫn đến 2 rủi ro rất lớn cho ngành ngân hàng, đó là rủi ro về thanh khoản và rủi ro chi trả cho người gửi tiền. Nếu dòng tiền luân chuyển không tốt, nợ xấu phát sinh sẽ không có tiền trả nợ đến hạn 6 tháng cho người gửi tiền. Đây là rủi ro lớn nhất mà ngành ngân hàng quan ngại.
Một rủi ro nữa theo TS. Quang là rủi ro lãi suất. Hiện lãi suất ngắn hạn biến động liên tục, trong khi lãi suất cho vay trung, dài hạn thường một năm mới điều chỉnh. Vì thế, trong quá trình kinh doanh, ngân hàng đối mặt rất nhiều rủi ro lãi suất trong bối cảnh lạm phát tăng cao, môi trường lãi suất có biến động lớn như hiện nay.
Việc nới room tín dụng toàn hệ thống đã phần nào giảm bớt sức nóng từ thị trường lãi suất. Nhưng chính sự gia tăng của tỷ lệ LDR trong thời gian qua cũng cho thấy, các ngân hàng đang đứng trước bài toán về cân đối nguồn vốn.