Khu chăn nuôi lợn nái của gia đình anh Đào Viết Xuê, xã Phù Lương (Quế Võ). |
Tỷ phú chăn nuôi
Anh Đào Viết Xuê, thôn Phù Lang, xã Phù Lương được biết đến là ông chủ trang trại chăn nuôi lớn của huyện Quế Võ với quy mô 3.200 lợn nái và lợn thương phẩm. Tổng doanh thu năm 2020 của trang trại đạt hơn 20 tỷ đồng, trừ chi phí thu nhập 3 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng.
Trang trại tổng hợp của gia đình anh có diện tích 7 ha, được quy hoạch bài bản với 4 ha thả cá, 7 dãy chuồng khép kín, tổng vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng. Anh Xuê tâm sự: “Gắn với nghiệp chăn nuôi đã hơn 20 năm, nhưng để đầu tư quy mô lớn, bài bản như hiện nay mới được 5 năm trở lại đây. Khi bắt tay vào làm ăn lớn, tôi nhập 200 lợn nái về để tự sản xuất con giống bảo đảm chất lượng sản phẩm”.
Do nắm vững về kỹ thuật và áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, từ đầu năm đến nay, mỗi tháng trang trại của anh xuất hơn 40 tấn thịt lợn, với giá bán 75 nghìn đồng/kg. Trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường, mới đây anh đầu tư hơn 4 tỷ đồng mở rộng khu chuồng nuôi nâng tổng quy mô đàn lợn thịt lên 3.000 con; duy trì, ổn định đàn lợn nái 200 con xây dựng cơ sở giết mổ với trang thiết bị hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường, góp phần phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của khách hàng và người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Dám đổi mới, dám đầu tư
Bén duyên với nghề chăn nuôi từ năm 1995, nhưng 6 năm trở lại đây ông Trần Văn Tường, phường Trang Hạ (thị xã Từ Sơn) mới mở rộng, đầu tư hàng chục tỷ đồng để sản xuất con giống. Sở hữu khu chăn nuôi rộng 3.000 m2 nuôi 15.000 gà bố mẹ đẻ trứng theo mô hình chuồng nuôi khép kín và khu ấp nở rộng 800 m2 có 20 máy ấp, công suất 19.200 trứng/mẻ. Cứ 4 ngày xuất ra 30.000 gà giống với giá bán thời điểm hiện tại 7.000 đồng/con, thời điểm cao nhất 14.000 đồng/con.
Doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng/tháng. Cơ sở đã tạo việc làm cho 15 lao động với mức thu nhập ổn định 6 triệu đồng/người/tháng, riêng 3 lao động kỹ thuật cao (phân loại giới tính gà) thu nhập hơn 15 triệu đồng/người/tháng. Trang trại thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch cho đàn gia cầm, bảo đảm an toàn sinh học, con giống trong 24 giờ đầu sau khi nở được tiêm phòng vacxin MaJex.
Tuân thủ các quy trình kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh nên con giống của cơ sở sản xuất bảo đảm các yêu cầu tiêu chuẩn về an toàn dịch bệnh. Trang trại được Chi cục Thú ý tỉnh cấp giấy chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn không chỉ tăng thêm thu nhập cho gia đình, tạo việc làm cho người lao động mà còn góp phần phát triển ngành chăn nuôi gia cầm địa phương. Nhiều năm liền ông Tường đạt danh hiệu “Hộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh”.
Cơ sở sản xuất con giống của gia đình ông Trần Văn Tường, phường Trang Hạ, thị xã Từ Sơn. |
Chăn nuôi gắn liền với VietGAP
“Mục sở thị” trang trại tổng hợp của gia đình anh Nguyễn Hồng Thái, thôn Tam Á, xã Gia Đông (Thuận Thành) chúng tôi không khỏi “choáng ngợp” bởi quy mô, diện tích, sự chuyên nghiệp từ khâu quy hoạch đến tổ chức sản xuất. Anh Thái từ tốn kể: “Năm 2003, gia đình nhận thầu 2,5ha diện tích đất khó canh tác tại xứ Đồng Ngượt, thôn Tam Á (cách xa khu dân cư). Vừa làm vừa xây dựng, tìm tòi nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của các địa phương trong và ngoài tỉnh, đến nay trang trại của gia đình đã quy hoạch được 6 dãy chuồng chăn nuôi lợn với diện tích 5.000m2”. Để giảm lao động chân tay, anh áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như đầu tư hệ thống dây chuyền cho ăn bán tự động trị giá gần 1 tỷ đồng, xây dựng hệ thống Biogas để xử lý chất thải, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Hiện nay, trang trại giải quyết việc làm cho 8 lao động, trong đó 2 lao động kỹ thuật với mức lương bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. Năm 2018, sản phẩm lợn thương phẩm của trang trại được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap; trang trại có 40 lợn nái, gần 1.000 lợn thịt (lúc cao điểm nuôi 2.000 lợn thịt).
Anh Xuê, ông Tường, anh Thái chỉ là 3 trong hàng nghìn nông dân thời đại mới dám nghĩ, dám làm từng bước thay đổi tư duy, nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với yêu cầu khắt khe của thị trường. Đây có thể xem là “chìa khóa” mở cánh cửa thành công trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.