Báo cáo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp 300.415 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với số tiền 10.617 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ tín dụng chính sách đến ngày 30/4/2024 đạt 5.550 tỷ đồng, tăng 3.243 tỷ đồng so năm 2014, tốc độ tăng trưởng 140,6%, với trên 107.000 hộ nghèo và đối tượng chính sách còn dư nợ.
Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng chính sách trong 10 năm qua đã tạo điều kiện cho 61.481 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 7.052 lượt học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, 45.693 lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm, 419 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; đầu tư xây dựng 158.588 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 4.523 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách.
Tín dụng chính sách xã hội giúp người nghèo đổi đời, thay đổi tư duy |
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, vẫn tồn tại những khó khăn như một số địa phương huyện miền núi trích ngân sách ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay còn thấp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu vốn của người dân trên địa bàn. Công tác phối hợp, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình dự án giảm nghèo, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ... ở một số nơi chưa đồng bộ, dẫn đến một bộ phận người nghèo sử dụng vốn chưa phát huy hiệu quả, chưa thực sự thoát nghèo bền vững.
Hay việc triển khai một số chính sách chưa có sự đồng bộ, nhất là các chính sách được triển khai đồng thời từ nhiều nguồn vốn (nguồn vốn vay, vốn hỗ trợ từ ngân sách, vốn huy động từ cộng đồng...), như chương trình cho vay hộ nghèo xây dựng nhà ở, cho vay nhà ở phòng tránh bão, lụt; cho vay hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi nghề...; từ đó, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách.
Đáng chú ý, cho vay một số chương trình chưa được điều chỉnh kịp thời, không còn phù hợp với giá cả thị trường cũng như bối cảnh nền kinh tế tại các thời điểm, chưa tạo được khả năng tài chính để người dân tổ chức sản xuất, kinh doanh, cải thiện được đời sống, như chương trình cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi nghề, cho vay giải quyết việc làm, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn...
Khó khăn, thách thức đã đòi hỏi phải có giải pháp để phần nào giải quyết vấn đề này. Bài học từ thực tế cho thấy, đó là nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội. Sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo, tạo điều kiện của chính quyền; sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trong quá trình tổ chức và triển khai thực hiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển ổn định và bền vững của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh...
Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương huy động các nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trong quyết định đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã góp phần tích cực vào việc cho vay một số đối tượng mà nguồn vốn trung ương hiện chưa đáp ứng. Điều này giúp địa phương thực hiện các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Song song với đó là nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả... Nâng cao năng lực quản trị và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, hoạt động nhận ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội và tình hình sử dụng vốn của người vay...