Ngân hàng
Bức thiết giải thoát 600.000 tỷ đồng nợ xấu
Hà Tâm - 25/05/2017 08:14
Lãi suất cao, khó tiếp cận tín dụng là một trong những vấn đề nóng được doanh nghiệp đưa ra tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017. Bài toán trên vẫn đang chờ kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, khai mạc đầu tuần này, đưa ra lời giải, bởi nó liên quan tới vấn đề nợ xấu trong nền kinh tế.

Có thể nói, hơn 600.000 tỷ đồng là con số không hề nhỏ, có thể hồi sinh hàng vạn doanh nghiệp, giúp lãi suất dễ thở hơn. Đáng tiếc, số vốn khổng lồ này đang bị chôn trong đống nợ. 

Cho dù tín dụng 4 tháng đầu năm tăng mạnh nhất trong 6 năm trở lại đây, song tăng trưởng GDP chưa như kỳ vọng đã cho thấy, nền kinh tế còn nhiều điểm nghẽn. Trong đó, điểm nghẽn lớn nhất chính là khối u nợ xấu chưa tan, đang ngấm sâu vào nền kinh tế. Khi nợ xấu chưa có lối thoát, thì việc nới lỏng tín dụng sẽ như ném thêm tiền vào canh bạc đầy rủi ro. Xử lý triệt để nợ xấu là đòi hỏi bức thiết. Nếu không, nền kinh tế giống như người ốm, cứ mỗi ngày một kiệt quệ.

.

Ngay trước thời điểm diễn ra kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này.

Nếu được thông qua, thì Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu được coi là “thượng phương bảo kiếm”, giúp xử lý triệt để các vướng mắc, khó khăn về cơ sở pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi các khoản nợ xấu. Qua đó, sẽ giải phóng một lượng vốn lớn đang đọng trong các khoản nợ xấu, cũng như giải phóng khối lượng tài sản thế chấp hiện chưa xử lý được, giúp mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay.   

Suốt 6 năm qua, các giải pháp xử lý nợ xấu như giãn nợ, cơ cấu lại nợ, bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã phát huy tối đa hiệu lực, giúp ngân hàng có thêm thời gian để phục hồi, có nguồn lực để xử lý nợ xấu. Dẫu vậy, đây vẫn chỉ là “gửi nợ cho tương lai”.

Nếu không xử lý dứt điểm vấn đề quyền chủ nợ, quyền thu giữ tài sản đảm bảo, quyền năng của VAMC, lãi dự thu… thì nợ xấu sẽ có nguy cơ quay lại hệ thống ngân hàng, kéo theo khó khăn cho nền kinh tế.

Nếu nợ xấu chưa được xử lý dứt điểm, thì lãi suất luôn có nguy cơ bùng tăng trở lại và tiếp cận vốn vẫn là bài toán khó với doanh nghiệp.

Đương nhiên, xử lý nợ xấu không phải là câu chuyện của riêng ngân hàng. Nói cách khác, các bộ, ngành, địa phương không thể vô cảm với nợ xấu.

Sỡ dĩ nợ xấu chậm được xử lý như vừa qua, ngoài việc thiếu hành lang pháp lý, theo đánh giá của Chính phủ, còn do một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, chủ động thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, đặc biệt là giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hoàn thiện hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm, thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm. Ngoài ra, quá trình xét xử, thi hành án với nhiều thủ tục phức tạp, kéo dài cũng làm cho việc xử lý nợ xấu thông qua tòa án chậm, chưa hiệu quả.   

Đương nhiên, ngay cả khi nợ xấu được xử lý dứt điểm, thì doanh nghiệp cũng phải hiểu rằng, không có nguồn vốn rẻ bình quân và dễ tiếp cận cho mọi doanh nghiệp. Khi đó, chỉ những doanh nghiệp có dự án hiệu quả, minh bạch, sẵn sàng mở cửa cho ngân hàng thẩm định và quản lý dòng tiền, mới được trải thảm đỏ mời vay vốn ưu đãi. Ngược lại, những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, thì dù có tài sản thế chấp, tất yếu, ngân hàng cũng sẽ phải thận trọng khi đặt bút, ký cho vay.

Tin liên quan
Tin khác