Thống kê của Bộ Y tế cho thấy hiện dịch sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, tay chân miệng đang hoành hành cộng thêm sự tấn công của dịch đậu mùa khỉ khiến công tác phòng chống dịch khó chồng khó.
Với dịch đậu mùa khỉ, theo ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nguyên nhân dịch tễ cần phải điều tra, bởi đây là bệnh không lưu hành ở Việt Nam, có nguồn gốc từ châu Phi và châu Âu.
Đậu mùa khỉ lây lan trong cộng đồng hẹp, quan hệ tình dục đồng tính, lây qua giọt bắn khi tiếp xúc gần.
Vì vậy, điều tra dịch tễ kỹ xem các bệnh nhân trên có tiếp xúc với người nước ngoài và người từ nước ngoài về hay không.
Hoặc có khả năng, người từ nước ngoài về đã khỏi bệnh, nhưng người tiếp xúc không biết, hoặc biết nhưng giấu không khai.
(Ảnh minh hoạ) |
Ngoài ra, theo chuyên gia, cần giám sát ở cộng đồng xem có bệnh nhân nào mới không. Mặt khác, cần tăng cường giám sát ở cửa khẩu, đặc biệt là những người đi từ vùng dịch tễ về.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, đối với bệnh đậu mùa khỉ, điều tra và giám sát là quan trọng, phải đánh giá nguy cơ, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó để không để dịch rơi vào tình trạng mất kiểm soát, nhưng cũng không đầu tư quá tốn kém, gây lãng phí nguồn lực vì còn phải chống nhiều dịch khác như sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, tay chân miệng. Nếu chưa điều tra kỹ thì chưa kết luận được.
Với câu hỏi, khi mà trong nước bùng phát cùng lúc nhiều dịch bệnh như hiện nay, người dân cần phải làm gì thì ông Trần Đắc Phu cho rằng, lúc này người dân cần phải làm tốt công tác phòng dịch. Chúng ta phải hiểu tất cả các bệnh lây theo hình thức gì để phòng.
Có bệnh lây theo đường hô hấp nhưng không gây ra bệnh ở đường hô hấp nên phải hiểu biết từng bệnh khi ấy mới có biện pháp phòng bệnh.
Chẳng hạn, bệnh đau mắt đỏ không phải đeo kính là phòng được bệnh cho người khác, mà bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, qua đường hô hấp, qua nước mắt, nước bọt, bắt tay.
Bệnh cũng có khả năng lây qua tiếp xúc gián tiếp như cầm, nắm, chạm vào những vật dụng bị nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh, sau đó đưa lên mắt; dùng chung vật dụng với bệnh nhân.
Nhiều người lại có suy nghĩ sai lầm rằng nằm cạnh người bị sốt xuất huyết thì lây. Thực tế sốt xuất huyết là bệnh lây qua muỗi đốt (muỗi gây bệnh sốt xuất huyết).
Hay đậu mùa khỉ không lây theo đường tiêu hóa mà lây qua tiếp xúc khoảng cách gần với người bệnh bao gồm qua tiếp xúc mặt với mặt, cọ xát da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, gồm cả quan hệ tình dục.
Tay chân miệng lây qua đường tiêu hoá (phân-miệng) thông qua các giọt bắn từ miệng vào đồ chơi, qua phân của người bệnh ra ngoài vào thức ăn, nước uống và người lành ăn phải. Khi phát tán ra ngoài, virus vẫn có thể tồn tại khá lâu trong môi trường nhiệt độ phòng, bám lên đồ dùng, đồ chơi, quần áo.
Chuyên gia lo ngại, trong tương lai, những dịch bệnh nguy hiểm mới nổi sẽ có, đặc biệt những bệnh truyền từ động vật sang con người.
Chẳng hạn, đã có những bệnh truyền từ động vật sang người như: HIV, Crona, Nipah, Zika.
Người vào rừng tiếp xúc với động vật lây sang người; hoặc ăn động vật xuất hiện dịch bệnh từ động vật sang người. Trong thời đại hiện nay, càng giao lưu đi lại nhiều càng lây lan dịch bệnh nhiều, dịch bệnh lây lan nhanh trong 24 giờ.
Dịch bệnh bùng phát phụ thuộc vào 2 yếu tố tự nhiên và xã hội. Tình trạng đô thị hóa, biến đổi khí hậu, dụng cụ phế thải nhiều, ăn ở kém vệ sinh, vector truyền muỗi tăng lên dẫn đến sốt xuất huyết tăng lên.
Dịch sẽ xuất hiện nhiều bệnh mới, những bệnh kháng kháng sinh, những bệnh đã thanh toán thì nay tái nổi.
Đứng trước nguy cơ nêu trên, theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng chúng ta phải có chính sách về dự phòng (phòng bệnh) dựa theo giải pháp của từng bệnh.
Bệnh lây qua đường tiêu hóa phải có dự phòng; bệnh nào có vắc-xin thì tăng cường tiêm phòng.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần kêu gọi ý thức của toàn dân, vai trò của chính quyền cơ sở, chống dịch là sự vào cuộc của các cấp chứ không chỉ ngành Y tế. Tăng cường cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
Đồng thời nâng cao năng lực của y tế dự phòng và y tế cơ sở; đầu tư cho y tế dự phòng và không đầu tư lâu dài không được. Tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin để người dân biết dịch bệnh.
“Đầu tư nguồn lực phòng, chống dịch và đẩy mạnh truyền thông cho người dân, cùng vào cuộc để phòng, chống có hiệu quả”, ông Trần Đắc Phu nêu.