Thời sự
Cần tăng cường trách nhiệm và quyền lợi của người dân
Lê Hoàn - Ngọc Sáng - 27/01/2014 13:11
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII, các đại biểu đã cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó một số ý kiến nhấn mạnh đến quyền và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường.

Theo đó, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đã có một chương quy định về quyền và nghĩa vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường. Trong chương này, ngoài quy định về trách nhiệm và quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Dự thảo Luật có quy định riêng về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp (Điều 132) và quy định về quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường (Điều 133).

Trước đây, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã có một số quy định về thực hiện dân chủ cơ sở về bảo vệ môi trường (Điều 105). Tại điều này, các chủ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; các tổ chức, cán bộ phụ trách về bảo vệ môi trường có trách nhiệm công khai với người dân, người lao động về tình hình môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường thông qua tổ chức họp phổ biến thông tin, thông báo bằng văn bản, tổ chức đối thoại trong trường hợp có nhu cầu của các bên tham gia đối thoại và yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, có đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Những quy định trên đây đã có những tác động nhất định, khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các quy định còn chung chung, cộng đồng dân cư vẫn ở thế bị động; trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và trách nhiệm quản lý, tổ chức của chính quyền các cấp và cơ quan quản lý môi trường chưa được quy định rõ ràng, cụ thể. Nguyên nhân này làm hạn chế trách nhiệm và vai trò rất quan trọng của người dân trong bảo vệ môi trường. Một số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại Công ty hóa chất Lâm Thao, Phú Thọ, vụ chôn lấp hóa chất bảo vệ thực vật của Công ty Nicotex, Thanh Hóa có thể được coi là những ví dụ điển hình liên quan đến những nội dung trên.

Lực lượng Cảnh sát môi trường lập biên bản xử lý một vụ vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.

Để khắc phục những hạn chế trên, Dự thảo mới đã quy định các tổ chức xã hội – nghề nghiệp có quyền được cung cấp và đặc biệt là quyền được yêu cầu cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường; được tham vấn đối với các dự án có liên quan đến chức năng, quyền hạn của tổ chức xã hội - nghề nghiệp; được tham gia các hoạt động kiểm tra về bảo vệ môi trường; được kiến nghị các cơ quan nhà nước khởi kiện các hành vi vi phạm và yêu cầu bồi thường thiệt hại và được hưởng các chính sách khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường. Đồng thời, Dự thảo quy định các cơ quan quản lý môi trường các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp thực hiện các quyền lợi đã được quy định.

Đối với cộng đồng dân cư, Dự thảo đã quy định đại diện của cộng đồng dân cư có quyền yêu cầu chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan cung cấp thông tin về bảo vệ môi trường bằng văn bản, thông qua đối thoại và tổ chức tìm hiểu thực tế các hoạt động bảo vệ môi trường; yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cung cấp thông tin về kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường. Đồng thời, tại Điều này, Dự thảo Luật cũng quy định trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cụ thể để bảo đảm thực thi quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng dân cư.

Với các quy định mới, vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cộng đồng dân cư được coi trọng và được phát huy trong công tác bảo vệ môi trường. Thực tế cho thấy, chính cộng đồng dân cư là những người hiểu biết rõ nhất, cụ thể nhất, thường xuyên nhất, khách quan và trung thực nhất về những tác động môi trường và hiệu quả công tác bảo vệ môi trường tại cơ sở. Những tiếng nói thể hiện trách nhiệm và quyền hạn của họ có tác động rất mạnh đến các cơ quan công quyền và chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Vì vậy, những qui định pháp lý mới này sẽ góp phần quan trọng thực hiện chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tạo nền móng cơ bản cho một xã hội dân chủ, công bằng và phát triển.

Tin liên quan
Tin khác