Đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) phát biểu tại tổ. |
Thảo luận tại tổ sáng 11/6 các đại biểu Quốc hội chỉ ra vô số những điểm cần điều chỉnh tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Tại tờ trình dự án luật, Chính phủ nhận định, môi trường trong nước đang diễn biến ngày càng phức tạp, chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải, đã xuất hiện những sự cố môi trường lớn, sự bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát về môi trường.
Còn nhiều quy định chung chung
Lần sửa đổi này, một trong những điểm mới được nhấn mạnh là đã cụ thể hóa trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Chính phủ, đảm bảo vai trò thống nhất tham mưu của Bộ Tài nguyên và Môi trường; trách nhiệm tham gia tổ chức thực hiện của các Bộ, ngành trong phạm vi quản lý, bảo đảm nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chịu trách nhiệm chính; thực hiện phân công, phân cấp đi đôi với phân quyền.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả, tính khả thi của các chính sách hiện hành; thay đổi phương thức quản lý hành chính kém hiệu quả, phức tạp sang quản lý dựa vào kết quả, mục tiêu cuối cùng; giảm thủ tục hành chính với các đối tượng thân thiện môi trường, tăng cường kiểm soát các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm cũng được coi là điểm mới đáng chú ý.
Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều đại biểu thì khá nhiều quy định tại dự thảo rất chung chung, nặng về hô hào, khẩu hiệu.
Dự thảo luật có 192 điều nhưng tính quy phạm không có nhiều, nặng về hô hào, tuyên truyền, không biết áp dụng kiểu gì nếu không có cả bộ nghị định hướng dẫn, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nhận xét.
Liên quan đến quản lý nhà nước, đại biểu Mai Bộ băn khoăn: ông thì quản lý môi trường nước, ông thì quản môi trường không khí... luật có hiệu lực dăm bảy ông cùng vào thanh tra thì doanh nghiệp xoay xở kiểu gì. Dự thảo luật mới tạo điều kiện cho cơ quan quản lý chứ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ông Bộ nhận xét.
Đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) thì băn khoăn quy định tại điều 174: Lực lượng cảnh sát môi trường tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu hoạt động phạm tội, có tố giác, tin báo tội phạm về môi trường; kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân theo kế hoạch được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
Cảnh sát môi trường làm theo lệnh của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì không hợp lý, ở Trung ương thì họ làm theo lệnh của Bộ trưởng Bộ Công an, ở tỉnh thì họ nhận lệnh của giám đốc công án tỉnh, chứ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường không thể ra lệnh cho cảnh sát môi trường đi kiểm tra được nên cần điều chỉnh cho phù hợp, ông Vân góp ý.
Không để một Bộ “vừa đá bóng, vừa thổi còi”
Tham gia thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Hơn lúc nào hết phải cương quyết bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân, trong đó phải quán triệt bảo vệ môi trường, nếu coi trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ bảo vệ môi trường là sai lầm”. Sự cương quyết đó, theo Thủ tướng, phải thể hiện qua đường lối, chính sách, luật pháp, ứng xử và tư duy.
Dẫn chứng hiệu quả từ Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 cụ thể hoá các quy định của luật, Thủ tướng đặt vấn đề nên chăng cần có một nghị định tương tự với chế tài nghiêm khắc bên cạnh công tác tư tưởng, vận động, tuyên truyền giáo dục cũng như khuyến khích áp dụng công nghệ trong sản xuất, xử lý rác thải để bảo vệ môi trường.
Về trách nhiệm của bộ máy, người đứng đầu Chính phủ cho rằng luật phải làm rõ hơn vai trò quản lý nhà nước cũng như chức năng của các bộ, ngành, không thể một Bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
“Bộ máy đông nhưng yếu, không ai chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân về vấn đề này. Đây là khuyết điểm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Sửa luật, theo Thủ tướng, là để có người bị xử lý kỷ luật Đảng, xử lý hành chính và cao hơn nữa về trách nhiệm của mình trước dân.
“Bộ máy phải mạnh, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, có kiến thức, phương tiện, công cụ kiểm tra. Chính phủ sẽ tiếp thu để có hành động mạnh mẽ hỡn nữa, tránh “biết rồi nói mãi” về vấn đề ô nhiễm môi trường”, Thủ tướng phát biểu.