Sự tham gia của các đơn vị tư vấn, thường được gọi là “tình báo kinh doanh”, có vai trò quan trọng để đảm bảo an toàn trong giao thương quốc tế |
Lỗ hổng ở đâu?
Sau chưa đầy 3 tháng, nhờ sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ và cơ quan liên quan, toàn bộ 100 container hạt điều đã được trả lại cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trước đó, ngày 8/3/2022, dư luận cả nước ngỡ ngàng khi Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) có công văn hỏa tốc thông báo tới các cơ quan chức năng về việc 6 công ty xuất khẩu Việt Nam bán 100 container hạt điều cho nhóm 5 công ty nhập khẩu Italia đã bị mất quyền kiểm soát 35 bộ chứng từ gốc (tương đương 35 container).
Đến nay, khi 35 container hàng bị mất kiểm soát chứng từ gốc được giải phóng, các doanh nghiệp Việt Nam đã tránh được rủi ro lớn nhất là mất tất cả hàng hóa. Dù vậy, tổn thất đối với doanh nghiệp Việt không hề nhỏ khi họ phải trả chi phí lưu kho bãi, bảo quản hàng hóa, phí thuê luật sư, cước tàu vận chuyển từ Italia đi các nơi…
Chỉ ra những lỗ hổng lớn dẫn tới rủi ro bị lừa của các doanh nghiệp Việt trong giao thương mại quốc tế, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, trong vụ việc trên, các doanh nghiệp Việt giao dịch qua một đơn vị môi giới đã làm việc từ lâu với phía Việt Nam là Công ty Kim Hạnh Việt. Có thể xuất phát từ niềm tin với đơn vị môi giới, doanh nghiệp Việt đưa ra những điều kiện còn lỏng lẻo trong hợp đồng, trong đó có việc không yêu cầu đặt cọc.
Luật sư Davide Galllasso tại Văn phòng luật sư Davide Gallasso và cộng sự (Italia), người bảo vệ thành công cho các doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam.
Một lý do quan trọng dẫn tới khả năng dễ bị lừa đảo là chọn phương thức thanh toán không phù hợp. Trong vụ việc trên, bên mua đã lợi dụng sơ hở của phương thức thanh toán nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documents against Payment - D/P) và các doanh nghiệp đã ủy nhiệm cho các ngân hàng tham gia thu mua và trao nhận chứng từ này.
Theo các chuyên gia, trong giao dịch thương mại quốc tế, người bán và người mua ở rất xa nhau, thậm chí không biết nhau, do đó cần có một tổ chức thứ ba có đủ uy tín làm trung gian và trong trường hợp này, các tổ chức trung gian đó không ai khác chính là ngân hàng.
Ông Hải phân tích, về cơ bản, D/P là phương thức thanh toán khá đảm bảo vì mang tính trung lập cho cả người mua và người bán. Tuy nhiên, quá trình đó có thể có những điểm sơ hở. Sau khi làm thủ tục xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt lấy được bộ chứng từ từ hãng vận chuyển. Chứng từ sau đó được chuyển đến cho ngân hàng của người bán tại Việt Nam. Ngân hàng phía Việt Nam chuyển phát nhanh bộ chứng từ này cho ngân hàng của nhà nhập khẩu ở châu Âu. Nhà nhập khẩu sẽ tiến hành thanh toán cho ngân hàng nhập khẩu, nhận bộ chứng từ. Với bộ chứng từ này, người mua có thể nhận hàng tại cảng và ngân hàng nhập khẩu tiến hành chuyển giao tiền cho ngân hàng phía Việt Nam.
Tuy nhiên, trong vụ việc trên, vấn đề xảy ra khi bộ chứng từ gốc từ Việt Nam chuyển qua châu Âu đã thất lạc. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt đứng trước nguy cơ mất trắng số hàng này vào tay người đang sở hữu chứng từ gốc.
Bài học lớn
Bộ Công thương và các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã liên tục cảnh báo cho các doanh nghiệp trong nước về 101 chiêu thức lừa đảo trong thương mại quốc tế. Dù vậy, những vụ việc lừa đảo mà nạn nhân là các doanh nghiệp Việt vẫn xảy ra không ít và doanh nghiệp Việt Nam thường là bên chịu phần thiệt hại nhiều hơn bởi sự hạn chế về năng lực hiểu biết pháp luật thương mại quốc tế, kinh nghiệm xuất nhập khẩu hàng hóa, quá tin tưởng môi giới…
Vào cuối năm 2021, quy mô xuất khẩu của nền kinh tế Việt Nam là 336 tỷ USD, riêng nông sản 48,6 tỷ USD và điều là 3,65 tỷ USD. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn khi tham gia 17 hiệp định thương mại tự do song phương lẫn đa phương, trong đó có 15 FTA đang thực thi, 2 FTA đang đàm phán, đã và đang mở rộng cánh cửa lớn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Song, khi sân chơi ngày một lớn, cũng là lúc doanh nghiệp Việt đối mặt với những rủi ro muôn hình vạn trạng.
Ông Phạm Văn Hồng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Italia - Việt Nam tại Torino cho rằng, trong giao dịch thương mại, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam phải lựa chọn phương thức thanh toán quốc tế và các cán bộ ngân hàng có kinh nghiệm. “Chúng ta không vì việc cần phải xuất khẩu mà chấp nhận yêu cầu của bên mua là chọn hình thức thanh toán D/P. Ít nhất, bên mua phải chuyển trả trước 30%, phần còn lại thanh toán bằng thư tín dụng (L/C)”, ông Hồng nói.
Với phương thức thanh toán L/C, hàng đến bến cảng bên mua nếu có sự cố, thì bên xuất khẩu còn có thể giữ 30% này để trang trải chi phí khi muốn cho hàng quay trở về. Điều này cũng được ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh: “Việc đặt cọc trong giao dịch thương mại cần được coi trọng. Điều này thể hiện sự cam kết, sự nghiêm túc của người mua hàng với nhà bán hàng, nên doanh nghiệp Việt cần đưa điều khoản này vào hợp đồng mua bán”.
Nói thêm về phương thức thanh toán, ông Hải cho hay, chọn phương thức thanh toán nào trong mỗi giao dịch thương mại còn liên quan đến vị thế trong đàm phán. “Ta đều biết, L/C là phương thức rất an toàn và tốt cho người bán, nhưng không được người mua hưởng ứng vì liên quan đến vấn đề quay vòng vốn. Muốn nâng cao vị thế đàm phán, doanh nghiệp Việt phải tự xây dựng uy tín cho chính sản phẩm của mình”, ông Hải nói.
Sử dụng “tình báo kinh doanh”
Lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế ngày càng gia tăng, nhất là khi Việt Nam đã lọt vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Đặc biệt, trong 2 năm dịch bệnh vừa qua, tình trạng lừa đảo quốc tế càng gia tăng. Từ kinh nghiệm giao dịch quốc tế, các chuyên gia thương mại khuyến cáo, yêu cầu hàng đầu với nhà xuất khẩu là phải xác minh, đánh giá độ tín nhiệm của nhà mua hàng.
Đối với những doanh nghiệp bán hàng lần đầu, đương nhiên mức độ rủi ro cao hơn, do vậy yêu cầu về việc xác minh độ tín nhiệm cũng phải cao hơn. Kể cả với những doanh nghiệp đã qua vài lần giao dịch, đã thực hiện thành công hợp đồng xuất khẩu, cũng chưa có thể đảm bảo được sự chắc chắn, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần có sự cảnh giác nhất định.
Theo ông Trần Thanh Hải, trong thực tế kinh doanh, doanh nghiệp có nhiều phương thức khác nhau để xác minh độ tín nhiệm, cũng như đảm bảo độ tin cậy của các giao dịch. Trong trường hợp xuất khẩu, vấn đề rất thông thường là doanh nghiệp phải đưa ra điều khoản về đặt cọc. Khoản đặt cọc đó có thể không lớn, nhưng thể hiện cam kết nghiêm túc từ phía người mua. Ngoài ra, cần có sự tham gia của các đơn vị tư vấn, thường được gọi là “tình báo kinh doanh”, để đảm bảo an toàn nhất.
TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV phân tích, trong giao dịch quốc tế, bên mua và bên bán thường phải biết rõ và có lòng tin về nhau thì mới giao dịch qua phương thức D/P. Trong vụ việc của ngành điều nêu trên, khách hàng mới, chưa có thông tin mà giao dịch qua hình thức này là rất rủi ro.
“Có vẻ họ đã quá nóng vội trong việc xuất hàng hoặc thiếu thông tin, kiến thức trong giao dịch quốc tế. Thông thường, trong trường hợp kiểu này, sẽ chọn hình thức thanh toán bằng thư tín dụng, với sự tham gia của ngân hàng cả hai nước bên mua và bên bán. Trong một số trường hợp không đủ độ tin cậy, người ta còn yêu cầu ngân hàng phía bên mua xác nhận thư tín dụng - một hình thức bảo lãnh, khi doanh nghiệp không trả được thì ngân hàng sẽ trả”, ông Lực nhấn mạnh.
Nhận định về vụ việc trên, Thương vụ Việt Nam tại Italia cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam không phải là có trình độ quá kém, mà nhiều khi là quá tin vào một công ty môi giới đã làm được một số việc cho một vài doanh nghiệp trong ngành nên ký hợp đồng với những doanh nghiệp Italia do họ giới thiệu. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng mải mê với lô hàng xuất khẩu lớn mà quên những thủ tục cần thiết để bảo đảm sự an toàn trong giao dịch thương mại quốc tế.
Theo các chuyên gia thương mại, không thể mang tư duy giao dịch thương mại ở quy mô nhỏ hẹp ra áp dụng cho các thương vụ xuất khẩu lớn, có yếu tố nước ngoài. Quá trình làm hợp đồng, áp dụng các phương thức thanh toán quốc tế, doanh nghiệp đưa các điều khoản càng chặt chẽ bao nhiêu càng tránh được rủi ro trong kinh doanh bấy nhiêu.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Tham tán Công sứ phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Italia cho rằng, mấu chốt trong các giao dịch thương mại là, doanh nghiệp Việt Nam phải kiểm tra đối tác một cách kỹ lưỡng hơn, kể cả thông qua môi giới thì cũng phải yêu cầu được liên hệ trực tiếp với người mua, kiểm tra địa chỉ mà họ đăng ký trong hợp đồng, rồi nhờ các cơ quan như thương vụ, đại sứ quán Việt Nam tại các nước sở tại kiểm tra thông tin kỹ càng hơn.
Bộ Công thương cũng lưu ý, các doanh nghiệp nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, các nghĩa vụ của mỗi bên, các trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường... Bộ sẽ tiếp tục cùng các hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phổ biến thông tin về tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu và các kỹ năng, bài học mà doanh nghiệp cần lưu ý, quan tâm khi tham gia xuất khẩu trên thị trường quốc tế.