Ông Nguyễn Đức Thuấn |
30 năm vì một ước mơ!
Sinh ra trong một gia đình làm nghề giáo ở Thái Bình, ngày bé thấy cảnh quê hương, đất nước gặp nhiều khó khăn, vất vả, trong ông luôn có một khao khát có thể làm gì đó để giúp cho quê hương, đất nước mình trở nên giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Đến tuổi trưởng thành, vẫn mang trong mình những ý chí và khát vọng ngày bé, sau thời gian rèn luyện trong quân đội, ông Thuấn lại miệt mài đèn sách để chuẩn bị hành trang cho mình sau này để góp phần phát triển nền kinh tế nước nhà.
Ngay sau ngày xuất ngũ, ông Thuấn cùng anh Cao Thanh Bích, anh Nguyễn Thanh Sơn và đồng đội của mình bắt tay ngay vào mặt trận kinh tế với suy nghĩ và kế hoạch táo bạo gây dựng doanh nghiệp, làm tiền đề phát triển công ty giày. “Đứa con” ấy sau này đã trở thành một trong những công ty sản xuất giày lớn nhất Việt Nam mang tên TBS Group, vươn tầm quốc tế.
Mang theo lý tưởng của một doanh nghiệp yêu nước, TBS Group đi lên vững chãi như hình ảnh cây tre quen thuộc của đất nước Việt Nam. Sức sống mãnh liệt, luôn phát triển vững vàng và mạnh mẽ của cây tre nơi làng quê được thổi hồn vào chính biểu tượng thương hiệu của Công ty. Cây tre xanh mang hình ảnh đại diện cho niềm tự hào dân tộc vô bờ bến của ông Thuấn nói riêng và những thành viên đầy nhiệt huyết trong TBS Group nói chung.
Bắt đầu từ một nhà máy nhỏ tại Bình Dương với vỏn vẹn một xưởng may, một xưởng gò, đến nay, TBS Group đã khẳng định vị thế một doanh nghiệp sản xuất tầm cỡ với những đối tác lớn như Skechers, Decathon, Wolverine trong ngành giày; hay Coach, Lancaster, Tory Burch trong ngành túi xách và Damco, APL, DHL, hay Geodis trong lĩnh vực logistics. Đây không chỉ là thành công của một cá nhân, một doanh nghiệp, mà là thành công cho ngành công nghiệp nước nhà.
Sau 30 năm nỗ lực hoạt động, TBS Group đã thực hiện được nhiệm vụ tạo việc làm cho nhiều người có cuộc sống ổn định. TBS Group luôn xem nguồn nhân lực là một niềm tự hào và hãnh diện của Công ty, như một nguồn tài sản quý giá, là vũ khí lợi hại cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và cả ngành công nghiệp Việt Nam nói chung. TBS Group mong muốn khuyến khích và hỗ trợ đào tạo để khẳng định trí tuệ Việt trên trường quốc tế.
Khu nhà máy của TBS Group. |
Chuyển đổi số: Chìa khóa tăng năng suất lao động
Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh doanh Forbes 2019 với chủ đề “Tiến vào Kỷ nguyên số” mới đây, ông Nguyễn Đức Thuấn cho rằng, khi tiến vào kỷ nguyên số, để có thể thoát khỏi bẫy trung bình, các doanh nghiệp cần phải thực hiện các công tác quản trị trên nền tảng số. Trong đó, điều quan trọng nhất là xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng, sau đó có thể thuê ngoài công nghệ để phân tích và tận dụng lượng thông tin quan trọng này.
Việt Nam đang có thời cơ dân số vàng với hơn 53 triệu người trong độ tuổi lao động. Mặt khác, da giày cũng là một trong những ngành sử dụng nhiều lao động nhất. Nhưng câu hỏi lớn nhất mà bất kỳ doanh nhân nào cũng phải đối mặt là “tại sao năng suất lao động của chúng ta lại thấp?”
Ngành công nghiệp thời trang trên thế giới có tổng giá trị khoảng 600 tỷ USD, riêng Trung Quốc vẫn là "anh cả" chiếm trên 50%. Việt Nam đang đứng thứ 2 trong ngành da giày, túi xánh và xếp thứ 3 trong ngành dệt may.
Theo tính toán sơ bộ, năm 2019, tổng doanh số của ngành thời trang là khoảng 60 tỷ USD. Riêng ngành da giày năm nay dự kiến xuất khẩu khoảng 20 tỷ USD.
Làm sao chúng ta có thể đẩy năng suất lao động ngang với những quốc gia đang cạnh tranh với chúng ta dữ dội nhất là Trung Quốc, Bangladesh và Myanmar là điều mà ông Thuấn trăn trở.
Hiện thuế suất của Bangladesh và Myanmar gần bằng không, chi phí lao động của họ cũng chỉ bằng một nửa của Việt Nam và nguồn cung lao động rất dồi dào. Trong khi đó, nguồn cung lao động của Việt Nam trong những năm gần đây gặp rất nhiều vấn đề.
“Do đó, chúng ta phải tăng năng suất lao động. Mà muốn tăng năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh, thì giải pháp đưa ra chính là phải quản trị trên nền tảng số”, ông Thuấn đặt vấn đề.
Có một thuận lợi, ngày 27/9 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo đó, Bộ Chính trị đánh giá, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ mở ra nhiều cơ hội, mà còn đặt ra hàng loạt thách thức với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân, cũng như đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội của đất nước…
Theo Nghị quyết, đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có năng suất lao động cao; có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Giải pháp của chúng ta là phải quản trị trên nền tảng số và thúc đẩy năng suất lao động ngang với quốc gia đang cạnh tranh nhiều nhất với ngành da giày Việt Nam. “Muốn tăng năng suất lao động thì cơ sở dữ liệu số là quan trọng nhất để đưa ra các quyết định sau đó”, ông Thuấn nói tại Diễn đàn Kinh doanh Forbes 2019.
Cụ thể, TBS Group đã và đang đẩy mạnh quản trị trên nền tảng số từ những bước cơ bản như đưa các tác nghiệp thủ công hàng ngày sang công cụ số, cũng như kết nối, liên thông hệ thống dữ liệu từ hệ thống nghiên cứu, sản xuất, bán hàng...
Theo doanh nhân có gần 30 năm kinh nghiệm trong ngành da giày, doanh nghiệp phải kiểm soát mọi chi phí bao gồm nguyên vật liệu, khấu hấu máy móc, nhân công… Nếu hệ thống sản xuất đạt được điều này, nghĩa là quá trình quản trị số tích phần nào đạt thành công.
Cùng với đó, với lộ trình giảm thuế về 0% sau 7 năm, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng được xem là cú hích với ngành da giày Việt Nam. Ước tính có trên 37% dòng sản phẩm da giày sẽ được áp dụng mức thuế 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
“Người Việt Nam luôn có khát vọng làm giàu. Câu chuyện đặt ra để cùng nhau tham gia sâu chuỗi giá trị là doanh nghiệp có quy mô lớn tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ hơn tham gia ngành công nghiệp phụ trợ. Cái khó nhất là tất cả doanh nghiệp phải tạo ra một nền tảng cơ bản là công nghệ học của hệ thống, quản trị trên nền tảng tích hợp. Nghĩa là dùng khoa học công nghệ tích hợp lại để phục vụ dòng sản phẩm, ngành hàng riêng biệt. Chúng tôi là người đi trước trong ngành, sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm liên quan”, ông Nguyễn Đức Thuấn, nhà sáng lập, Chủ tịch, Tổng giám đốc TBS Group chia sẻ.
Đóng góp tích cực cho nhiều dự án lớn của quốc gia
TBS Group là một trong năm tập đoàn xuất khẩu giày dép và túi xách lớn nhất tại Việt Nam. Được thành lập năm 1992, từ một xưởng làm giày thể thao với 1.000 nhân công, hiện nay, TBS Group đã phát triển trở thành tập đoàn đa ngành, với hơn 40.000 nhân viên tại 6 doanh nghiệp chính: sản xuất giày dép, túi xách, đầu tư và quản lý tài sản, hậu cần, khách sạn và bán lẻ, với gần 20 khu vực sản xuất từ Bắc vào Nam.
Ngoài vai trò chủ chốt tại TBS Group, ông Thuấn còn giữ các vị trí như: Chủ tịch Hội đồng Lao động quốc gia Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Da, Giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO), thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia, thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách hành chính của Chính phủ…
Ông Thuấn đã đóng góp tích cực cho nhiều dự án lớn của quốc gia như: Chương trình Cải cách hành chính (Chương trình 30), xác định mức lương tối thiểu, đảm bảo sự cân bằng giữa năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và lợi ích của người lao động, tư vấn cho Chính phủ xây dựng nhiều dự luật và nghị định đã đóng góp cho sự phát triển của ngành xuất khẩu thời trang nói riêng và nền kinh tế quốc gia nói chung.