Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là giải pháp cấp thiết với các doanh nghiệp logistics. |
Áp lực thúc đẩy chuyển đổi số
Trong 4.000 doanh nghiệp logistics đang hoạt động, có tới 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp Việt chỉ chiếm 20% thị phần, 80% dòng chảy hàng hóa lĩnh vực này thuộc về doanh nghiệp nước ngoài. Chi phí logistics tại Việt Nam còn rất cao (chiếm 20,9% GDP); tỷ lệ giao hàng không thành công khoảng 10%, cho thấy các mô hình vận chuyển logistics truyền thống tại Việt Nam đang dần lạc hậu. Bởi vậy, khi dịch bệnh xảy ra, logistics chịu tác động rất nặng nề.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), Covid-19 là nguyên nhân chính khiến 15% doanh nghiệp logistics bị giảm 50% doanh thu, hơn 50% số doanh nghiệp giảm số lượng dịch vụ hậu cần trong nước và quốc tế từ 10 - 30% so với năm 2019.
Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là giải pháp cấp thiết với các doanh nghiệp logistics. Để duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp logistics Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử, khai thác khá hiệu quả phương thức vận hành hậu cần trực tuyến (e-logistics).
TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, chi phí logistics của Việt Nam cao nhất khu vực và thuộc top thế giới, ảnh hưởng rất lớn đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Để giải quyết vấn đề này, cần 3 mũi giáp công: tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tăng đầu tư hạ tầng và đặc biệt là ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số vào logistics.
Còn theo ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch VLA, giãn cách xã hội đã khiến chuỗi cung ứng ảnh hưởng nặng nề, giá cước vận tải tăng 3 - 5 lần, thời gian vận chuyển hàng hóa tăng gấp đôi, nhân lực không đủ để vận hành… “Doanh nghiệp logistics cần thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng blockchain, trí tuệ nhân tạo nhằm hình thành nền tảng số tích hợp công nghệ hiện có về logistics để kéo giảm chi phí”, ông Khoa nhấn mạnh.
Bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc chiến lược Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel nhận định, Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và đảo lộn, các hoạt động logistics vốn được coi là “xương sống” của chuỗi cung ứng cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics để vừa khắc phục được những vấn đề nảy sinh trong đợt dịch bệnh vừa qua, vừa có thể tận dụng được lợi thế của cách mạng số.
“Quá trình chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn, qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng cao”, bà Cẩm Linh phân tích.
Nhận diện vướng mắc
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA, Tổng giám đốc Transimex cho biết, phần lớn doanh nghiệp logistics chỉ thực hiện một số công đoạn, dịch vụ trong chuỗi dịch vụ, nên vấn đề đầu tư, sử dụng phần mềm thích hợp rất khó khăn. Theo kinh nghiệm của ông Hiệp, trước hết, doanh nghiệp cần chọn chiến lược số hóa từ những thứ đơn giản. Ví dụ, Transimex chọn những ứng dụng thiết thực như giao hàng.
Vấn đề khó giải quyết nhất trong chuyển đổi số ngành logistics là phần lớn doanh nghiệp logistics là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ thiếu nguồn lực tài chính, nên chưa mạnh dạn hoặc không có khả năng đầu tư.
Bởi vậy, theo bà Cẩm Linh, cần có chính sách khuyến khích chuyển đổi số, hỗ trợ vốn vay, lãi vay ưu đãi cho doanh nghiệp chuyển đổi số và start-up về giải pháp công nghệ số. Như vậy, doanh nghiệp logistics có thể mua giải pháp hoặc thuê giải pháp từ các doanh nghiệp cung cấp phần mềm khi chưa có đủ khả năng tài chính.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra, một số nguyên tắc chưa có trong luật và hệ thống quản lý nhà nước đang tạo rào cản cho số hóa trong logistics. Việc liên kết, đồng bộ dữ liệu giữa các hãng vận chuyển, hải quan, cảng biển, cảng hàng không và trong chính nội bộ doanh nghiệp logistics đang gặp khó khăn.
Ở Việt Nam hiện có khoảng 17 loại hình dịch vụ logistics, chủ yếu là dịch vụ giao nhận, vận tải, kho hàng, chuyển phát nhanh và khai báo hải quan. 50 - 60% doanh nghiệp đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau. Các phần mềm quốc tế chưa được ứng dụng nhiều. Thêm vào đó, tâm lý chưa thực sự tin tưởng về các ứng dụng công nghệ số (bảo mật, mức độ an toàn, khả năng thanh toán…) cộng với thói quen ngại thay đổi của lãnh đạo doanh nghiệp và nhân viên cũng cản trở việc chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Đại diện VLA nhìn nhận, chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết để khôi phục và phát triển ngành dịch vụ logistics trong điều kiện “sống an toàn” với đại dịch Covid-19. Để thực hiện được điều này, VLA kiến nghị Nhà nước sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý cho việc chuyển đổi số, nhất là vấn đề bảo mật, hợp tác phòng chống phá hoại, vấn đề quản trị kỹ thuật số, thuế công nghệ số nhằm khuyến khích phát triển…