Theo đề án tuyển sinh mà Trường Đại học Kinh tế quốc dân vừa công bố, từ năm 2023, trường này dự kiến không xét tuyển thuần theo điểm thi tốt nghiệp THPT mà xét tuyển kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT với các tiêu chí khác.
GS.TS Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, nhà trường dành khoảng 40% chỉ tiêu cho kết quả thi tốt nghiệp THPT nhưng không sử dụng như một phương thức xét tuyển độc lập.
Thay vào đó, kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ được nhà trường sử dụng trong phương thức xét tuyển kết hợp, xét tuyển sớm.
Chẳng hạn, trường xét điểm IELTS kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT hoặc kết hợp xét tuyển kết hợp với điểm tổng kết cho đối tượng học sinh giỏi của trường chuyên.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức kỳ đánh giá năng lực để tuyển sinh bên cạnh các phương thức xét tuyển truyền thống là xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng và xét học bạ.
Còn đại diện của Đại học Bách khoa Hà Nội thông tin, năm 2023, trường tiếp tục giữ ổn định ba phương thức tuyển sinh gồm xét tuyển tài năng, xét điểm kỳ thi đánh giá tư duy do nhà trường tổ chức và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT đối với một số ngành.
Trong đó, kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách Khoa tổ chức sẽ tổ chức 3 đợt, vào tháng 5, 6 và 7/2023, tăng 2 đợt so với năm 2022.
Ảnh minh hoạ |
Trước đó, trong năm 2022, Đại học Bách Khoa Hà Nội dành 10-20% trong gần 8.000 chỉ tiêu để xét tuyển tài năng, 50-60% cho kết quả thi đánh giá tư duy, còn lại dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Trong đó, một số ngành của Đại học Bách khoa Hà Nội đã không xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT mà chỉ xét tuyển dựa trên kết quả của hai phương thức còn lại.
Thông tin từ Đại học quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2023 Trung tâm Khảo thí của trường tiếp tục triển khai các đợt thi đánh giá năng lực từ tháng 3 đến tháng 6 với quy mô dự kiến 100 nghìn lượt thi tại 8 tỉnh, thành trong cả nước như năm 2022.
Mục tiêu là đảm bảo an toàn, chất lượng thí sinh để đáp ứng đúng nhu cầu của các trường đại học trong và ngoài Đại học quốc gia Hà Nội sử dụng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh.
Năm 2023, Bộ Công an cũng sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá tuyển sinh công an nhân dân để các học viện, trường công an nhân dân sử dụng kết quả vào công tác tuyển sinh.
Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, việc các trường đại học lớn giảm dần phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, hướng đến việc tổ chức các kỳ thi riêng để có đầu vào phù hợp là xu hướng tất yếu.
Tuy nhiên, không phải tất cả các thí sinh đều có điều kiện tham gia các kỳ thi riêng nên để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh, các trường vẫn cần đa dạng phương thức xét tuyển.
Đại diện trường Đại học Mỏ địa chất cho hay, nhà trường đang xây dựng quy chế tuyển sinh, dự thảo làm đề án tuyển sinh năm 2023 theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trước đó, nhà trường sử dụng một số phương thức xét tuyển sau: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển học bạ (năm học 2022-2023 chỉ chiếm khoảng 20% chỉ tiêu); Tuyển thẳng học sinh giỏi; Chứng chỉ tiếng Anh; Xét tuyển theo kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tuy nhiên, từ thực tế tuyển sinh nhiều năm qua, việc xét tuyển sớm đối với một số phương thức cũng không có giá trị nhiều. Chẳng hạn, việc tuyển sinh thông qua xét tuyển học bạ, đây chỉ giống như một kênh dự phòng cho các thí sinh.
Theo thống kê của nhà trường, những năm qua, phần lớn các thí sinh trúng tuyển qua hình thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT, còn thí sinh trúng tuyển qua phương thức xét tuyển học bạ chỉ chiếm phần rất nhỏ.
Việc điều chỉnh chủ yếu theo hướng giảm dần phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và loại bỏ bớt các phương thức tuyển sinh phức tạp, gây “nhiễu” hệ thống. Cùng với đó, cách tính điểm ưu tiên vào đại học của các trường cũng sẽ thay đổi theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo được áp dụng từ năm 2023.
Một số đại diện từ các trường đại học khác thì nêu ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chốt phương án và công bố sớm, để các cơ sở đào tạo cũng như thí sinh có thể chủ động hơn, tránh tình trạng để trễ như năm vừa rồi.
Theo đó, mọi thông tin tuyển sinh cần phải được công bố hết sức rõ ràng, chính xác, để từ đó, xã hội ủng hộ, các cơ sở đào tạo cũng dễ dàng thực hiện theo một hướng thống nhất, một cách nghiêm túc, đàng hoàng, chứ không phải mỗi trường có thể làm theo một kiểu dạng trăm hoa đua nở.
Ngoài ra, nếu thí sinh tiếp cận với quá nhiều chiều thông tin, đôi khi sẽ bị “nhiễu” thông tin, dẫn đến hoang mang, lo lắng, nên cần có một luồng thông tin chính thống và nhất quán để các thí sinh tìm hiểu.
Với các nhà trường, nếu khó tuyển sinh ở một số ngành mà thông tin của Bộ lại chậm có thể khiến nhà trường không kịp thời chủ động, nguồn tuyển, hệ quả là khủng hoảng nhân lực của ngành ấy sẽ diễn ra sau khoảng 5-10 năm tới.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thông tin, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm học 2022 - 2023 là hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023, đồng thời, xác định phương hướng, định hướng tuyển sinh từ năm 2025.
Trong đó, đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây nhiễu hệ thống và gây khó khăn, nhầm lẫn cho thí sinh.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho hay, năm 2023 cơ quan này không ban hành Quy chế tuyển sinh mới. Công tác tuyển sinh năm 2023 sẽ thực hiện theo quy chế ban hành năm 2022. Cụ thể, một số quy định mới đã nêu trong quy chế tuyển sinh 2022 sẽ được thực hiện từ năm 2023 như chính sách cộng điểm ưu tiên.
Theo Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2022, việc cộng điểm ưu tiên được quy định theo khu vực ưu tiên và đối tượng ưu tiên.
Trong đó, về ưu tiên theo khu vực, mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 (KV1) là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) là 0,5 điểm, khu vực 2 (KV2) là 0,25 điểm; khu vực 3 (KV3) không được tính điểm ưu tiên.
Tuy nhiên, từ năm 2023, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT và một năm kế tiếp.
Bên cạnh đó, cách tính điểm ưu tiên sẽ thay đổi theo hướng mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0), cụ thể theo công thức: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.
Lý giải về những điều chỉnh trong quy định cộng điểm ưu tiên, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nói rằng, qua thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT của 3 năm qua, nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên (chiếm 25% tổng số thí sinh tốt nghiệp) luôn có phổ điểm tổng 3 môn cao hơn hẳn so với các nhóm thí sinh còn lại (nhóm được cộng điểm ưu tiên ở các mức độ khác nhau).
Sau khi cộng điểm ưu tiên theo quy định hiện tại, tỉ lệ thí sinh có tổng điểm 3 môn dưới 22,5 điểm của nhóm đã cộng điểm ưu tiên tiệm cận với nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên; điều này chứng tỏ việc cộng điểm ưu tiên đã tạo sự công bằng, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho những nhóm thí sinh có điều kiện khó khăn hơn.
Tuy nhiên, phân tích dữ liệu cho thấy có sự bất hợp lý là tỷ lệ các thí sinh đạt điểm cao từ 22,5 điểm trở lên của nhóm được ưu tiên lại tăng vọt, cao hơn hẳn (ở nhiều mức điểm thậm chí tỉ lệ này cao gấp đôi) so với nhóm thí sinh không thuộc diện ưu tiên.
Điều này dẫn tới sự mất công bằng khi các thí sinh tiếp cận, ứng tuyển vào các ngành, các trường có mức độ cạnh tranh cao, thậm chí dẫn tới hiện tượng một số ngành có điểm chuẩn tiệm cận 30 điểm.