Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trong phiên chất vấn chiều 7/6/2022 |
Đại biểu vẫn lo được mùa, mất giá, Bộ trưởng sợ nhất câu hỏi đến bao giờ
“Tôi sợ nhất câu hỏi đến bao giờ, vì đang điều hành trong nền kinh tế thị trường, chiến lược xây dựng từ trên xuống dưới, nhưng thực hiện từ dưới lên trên, rất cần sự năng động của chính quyền địa phương, dù ở vai đại biểu, tôi cũng sẽ hỏi như vậy, vì đó là mối quan tâm lớn”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội và các đại biểu sau khi nhận được nhiều câu hỏi bao giờ nông nghiệp Việt Nam hết lo điệp khúc được mùa, mất giá; chấm dứt các đợt giải cứu nông sản hay bao giờ mối liên kết đang rất lỏng lẻo giữa nông dân và doanh nghiệp chặt chẽ hơn... Trước đó, đại biểu Mai đã nhắc đến bức thư của ông gửi ngành nông nghiệp về việc mượn sức gió để đưa nông nghiệp đi xa hay bị gió xô đẩy là thuộc về trách nhiệm của ngành nông nghiệp.
Lời giải, theo ông là cần sự vào cuộc của cả chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, các hiệp hội, hộ nông dân và cần thời gian.
“Tôi muốn nhắc đến câu nói của lãnh đạo Hưng Yên, đó là “đất đai Hưng Yên có manh mún, nhưng tư duy của người dân Hưng Yên không manh mún. Đó chính là lời giải cho bài toán liên kết, tổ chức sản xuất, tổ chức tiêu thụ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Trước khi bắt đầu trả lời các câu chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nói đến chiến lược phát triển ngành nông nghiệp từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
“Tôi muốn nhấn mạnh yếu tố kinh tế, có nghĩa là sẽ có bài toán hiệu quả dựa trên doanh thu và chi phí, sự thay đổi của thị trường, của xu thế tiêu dùng... và trả lời các đại biểu theo hướng này, nghĩa là sẽ chưa thể thay đổi ngay như là chuyển mùa vụ, mà cần có thời gian để thay đổi. Cả bộ quản lý chuyên ngành cũng phải thay đổi tư duy theo hướng này”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm rõ quan điểm.
Đây là lý do trong các phần trả lời, người đứng đầu ngành nông nghiệp nhiều lần nhắc đến đòi hỏi thay đổi tư duy, của cả chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cả người nông dân trong sản xuất nông nghiệp.
“Đại biểu đặt vấn đề sự phụ thuộc về thị trường, về vật tư nông nghiệp hay cả việc làm sao để giảm sử dụng phân bón hữu cơ... nhưng đó chính là nhiệm vụ của quốc gia làm nông nghiệp, phải nâng cao tính tự chủ của ngành nông nghiệp. Vừa rồi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương đã cùng làm việc với các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp để thuyết phục các bên cùng vào cuộc, không thể dùng mệnh lệnh hành chính trong việc này”, ông trả lời.
Sự vào cuộc của các bên được lý giải rất ngắn gọn là doanh nghiệp không thu mua hàng thiếu chất lượng, thiếu quy chuẩn; các địa phương đảm bảo quy hoạch nguồn nguyên liệu; người nông dân không thấy giá ngoài cao hơn thì phá vỡ hợp đồng mua bán với doanh nghiệp; các hiệp hội, doanh nghiệp cùng tham gia vào hoạt động hỗ trợ khuyến nông, hỗ trợ nông dân thực hiện quy trình sản xuất mới...
“Các doanh nghiệp nói với tôi, họ không ngại đầu tư nhà máy chế biến, nhưng họ sợ 1 năm chỉ chạy máy 2 tháng nếu chỉ trông vào mùa vải, hay lỡ người nông dân không tuân thủ cam kết mua bán... Việc tổ chức sản xuất, tổ chức vùng nguyên liệu, tổ chức tiêu thụ không thể giải quyết bằng một văn bản hay yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mà rất cần sự năng động của chính quyền địa phương, của doanh nghiệp”, ông Lê Minh Hoan nói.
Tuy nhiên, ông cũng nói là không thoái thác trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ngành nông nghiệp và nông thôn, nhất là vai trò điều phối, chuẩn hóa quy trình sản xuất, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp...
“Các hoạt động xúc tiến, tìm kiếm thị trường không thể theo kiểu buôn chuyến, nghĩa là một vài địa phương hay doanh nghiệp mà cần có sự nghiên cứu, đánh giá và phối hợp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao đang có đề án nghiên cứu phát triển các thị trường xuất khẩu của nông sản Việt Nam, từ góc độ thị trường để tổ chức sản xuất, chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn... Tôi tin là giải pháp thị trường sẽ tạo ra lăng kính tốt cho tổ chức sản xuất nông nghiệp”, Bộ trưởng trả lời các câu hỏi về tìm kiếm thị trường cho xuất khẩu nông sản và giải pháp tăng xuất khẩu nông sản chế biến của các đại biểu.
Nông nghiệp phải là một nghề, không phải làm nông dân vì không biết làm gì
Phiên chất vấn của Quốc hội bắt đầu từ chiều 7/6/2022, kéo dài trong 2,5 ngày |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Tô Văn Tám về mối quan hệ giữa việc đẩy nhanh ứng dụng khoa học và công nghệ trong nông nghiệp trong khi lực lượng chủ lực của ngành nông nghiệp là nông dân, năng lực công nghệ còn thấp..., Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nhắc tới chiến lược tri thức hóa nông dân.
“Chúng ta không mong muốn biến các nông dân thành kỹ sư, tiến sỹ, nhưng phải để nông nghiệp là một nghề, chứ không phải là vì không làm được gì nên về làm nông. Để làm được, Bộ tiếp tục đẩy mạnh chương trình khuyến nông, phát triển khuyến nông cộng đồng, để doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo, hỗ trợ nông dân tiếp cận các quy trình, phương thức sản xuất mới, hiện đại”, Bộ trưởng chia sẻ.
Đã có những mô hình khuyến nông cộng đồng với sự tham gia của doanh nghiệp ở Giai Lai, trong sản xuất cà phê. Khi kiến thức, năng lực của nông dân được nâng cao thì doanh nghiệp mới tăng năng suất, đảm bảo chất lượng nguyên liệu, sản phẩm. Ông cũng nhắc tới năng lực quản trị của hợp tác xã, xã viên...
Đặc biệt, ông nhắc đến các dự án chế biến sản phẩm nông sản quy mô lớn vừa được các doanh nghiệp khởi công tại Sơn La, với quan điểm, vì doanh nghiệp tin vào các hộ nông dân ở khu vực đó, tin vào mối liên kết giữa doanh nghiệp – nông dân và địa phương.
“Nhiều đại biểu cũng hỏi có chế tài gì không để đảm bảo tính liên kết, tôi chưa nghĩ ra, nhưng thực tế là doanh nghiệp bội tín thì có thể bị nông dân kiện ra tòa, nhưng nông dân bội tin thì doanh nghiệp khó làm như vậy, vì nông dân còn rất vất vả, khó khăn. Nên trong thời gian này, rất cần sự vào cuộc, thuyết phục của doanh nghiệp với nông dân, sự chia sẻ của nông dân với doanh nghiệp. Đôi khi, niềm tin cao hơn khế ước”, ông nói.
Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng gửi lời tâm huyết tới các nông dân, nên vào hợp tác xã để cùng thay đổi cách làm, cùng hướng tới nền nông nghiệp sinh thái hơn, xanh hơn.
“Chúng ta không thể có thương hiệu nông sản Việt Nam nếu người tiêu dùng Việt Nam không tin dùng sản phẩm Việt Nam”, ông nói.