Trong số 13 các dự án được cấp phép trên, có các dự án chăn nuôi bò thịt của Hoàng Anh Gia Lai, dự án nông nghiệp của Tập đoàn Vingroup, dự án trồng cá Tầm của Tổng công ty cá tầm Việt Nam, dự án xây dựng nhà máy sữa của Công ty Nutifood…
Tại Hội nghị sáng nay, hợp đồng đầu tư vốn và thỏa thuận hợp tác của 8 ngân hàng thương mại gồm LienVietPostBank, VCB, VietinBank, Agribank, BIDV, SHB, MB, Sacombank với 17 DN thực hiện 16 dự án cũng đã được triển khai. Đồng thời, các ngân hàng cam kết cho vay trung và dài hạn với số tiền khoảng 15.000 tỷ đồng để thỗ trợ đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của khu vực như : Thủy điện, giao thông, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi.
Hạ tầng và kinh tế - xã hội Tây Nguyên đang ngày càng khởi sắc với những dự án đầu tư lớn |
Đáng chú ý, trong biên bản ghi nhớ được ký kết giữa Ngân hàng LienVietPostBank, Công ty cổ phần Him Lam và UBND tỉnh Lâm Đồng, trong vòng 5-10 năm tới, LienVietPostBank sẽ dành khoảng 20.000 tỷ đồng phát triển cà phê tại Tây Nguyên. Riêng Lâm Đồng trong vòng 5-10 năm tới, ngân hàng LienVietPostBank sẽ đầu tư từ 5.000 – 10.000 tỷ đồng cho mắc ca và phát triển các đối tượng kinh doanh khác.
Báo cáo về tình hình và định hướng thu hút đầu tư vào Tây Nguyên sáng nay, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, trong những năm qua, thu hút vốn đầu tư vào Tây Nguyên tăng nhanh. Tuy nhiên, cơ cấu nguồn vốn đầu tư vào Tây Nguyên chưa hợp lý, chủ yếu là vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, vốn BT, BOT nhưng thu hút ODA, FDI và đầu tư của DN trong nước chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với cả nước cả về số vốn và số dự án đầu tư. Một số công trình giao thông quan trọng, huyết mạch được đầu tư nhưng tốc độ chậm, để kéo dài.
Bên cạnh đó, cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu và các nông lâm sản, vốn là thế mạnh của Tây Nguyên, nhưng việc thu hút đầu tư vào chế biến các sản phẩm này còn ít, chưa tạo ra được chuỗi giá trị cao, bền vững. Việc thu hút, quản lý cũng như khả năng hấp thụ vốn ODA, FDI còn thấp, nhất là các dự án dầu tư công nghệ cao.
Mặc dù vậy, điều đáng mừng là những năm gần đây, các tỉnh Tây Nguyên ngày càng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Ông Yamamoto Kenichi, Phó đại diện Văn phòng JICA cho biết, Tây Nguyên có lợi thế, tiềm năng rất lớn về phát triển nông nghiệp. JICA đã hỗ trợ nghiên cứu và đưa ra 4 mục tiêu cho Lâm Đông: Trở thành thương hiệu số một Việt Nam về nông nghiệp; Hình thành cụm nông nghiệp công nghiệp xuất khẩu hàng đầu sang Nhật Bản; Trở thành điểm du lịch hàng đầu Việt Nam; Trở thành trung tâm cung cấp nhân lực rung tâm nhân lực cho Tây Nguyên.
Ông Yamamoto Kenichi cũng cho biết thêm, JICA đang hỗ trợ xây dựng Cụm nông nghiệp công nghiệp. Ý tưởng này nhận được sự quan tâm của nhiều DN Nhật. Dù vậy, đại diện JICA cũng cho biết, hiện các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Tây Nguyên đang gặp một số trở ngại như đất đai, hạ tầng, tiếp cận thông tin…
Được biết, trong các tỉnh Tây Nguyên, thời gian qua, Lâm Đồng là một trong những tỉnh tích cực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nhất và đã thu về nhiều hiệu quả tích cực. Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tính đến nay, tỉnh đã cấp phép cho 639 dự án đầu tư, trong đó có 109 dự án đầu tư 100% vốn nước ngoài với số vốn 468 triệu USD.
Tính riêng trong 5 năm vừa qua, Lâm Đồng đã tổ chức 55 hội thảo lớn liên quan đến xúc tiến đầu tư, mời gọi đầu tư. Hiện Lâm đồng có mối quan hệ với 33 tổ chức và địa phương các nước trên thế giới. Phát hành nhiều ấn phẩm xúc tiền đầu tư, tổ chức và tham gia trên 400 hội chợ. Hiện Lâm Đồng cũng đang đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng hoa, rau, cá nước lạnh và đứng đầu cả nước về nông nghiệp công nghệ cao.