Y tế - Sức khỏe
Đáng lo tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em
D.Ngân - 21/10/2023 08:12
Viện Dinh dưỡng Quốc gia khảo sát học sinh lớp 5 tại một số quận, huyện Hà Nội năm 2023, kết quả 45-55% số trẻ ở nội thành thừa cân, béo phì.

PGS-TS. Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, tại Việt Nam, tình trạng trẻ suy dinh dưỡng được cải thiện đáng kể, song lại đang đối mặt với gánh nặng kép thừa cân, béo phì.

Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tăng gần gấp đôi trong vòng 10 năm.

Nghiên cứu mới đây của Viện Dinh dưỡng phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, triển khai tại nhiều trường mầm non, cho thấy số trẻ thừa cân, béo phì gia tăng khi có những trường gần 30% trẻ béo phì.

Viện Dinh dưỡng khảo sát học sinh lớp 5 một số trường tại quận, huyện Hà Nội, năm 2023, kết quả trường Tiểu học Dịch vọng B, quận Cầu Giấy, có 45,5% trẻ thừa cân, béo phì. Trường Tiểu học Lê Lợi ở quận Hà Đông, tỷ lệ này là 49,5% trong khi trường Tiểu học La Thành ở quận Đống Đa tới 55,7%.

Trường Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm, có 51,4% trẻ thừa cân, béo phì, còn trường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, tỷ lệ này 46,5%. Ở các trường thuộc khu vực ngoại thành, trên 20% trẻ mắc tình trạng trên.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo PGS. Bùi Thị Nhung, là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thừa năng lượng, thiếu vi chất; tâm lý người thân muốn con bụ bẫm. Trẻ thiếu hoạt động thể lực, sử dụng thực phẩm nhiều đường cũng dẫn đến thừa cân, béo phì.

Thừa cân, béo phì dẫn tới nhiều hệ quả nghiêm trọng khi xét nghiệm 500 trẻ béo phì, có 35-50% trẻ bị rối loạn mỡ máu. Theo PGS.Trần Thanh Dương, Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia, nhìn nhận tình trạng dinh dưỡng ở trẻ chưa đồng đều giữa các vùng miền, đặc biệt tại vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua. Khu vực thành thị cao gấp nhiều lần so với nông thôn và miền núi.

Trước đó, chia sẻ tại Hội thảo cung cấp thông tin báo chí về các giải pháp phòng ngừa bệnh không lây nhiễm, PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế cho biết, thừa cân, béo phì đã trở thành một vấn nạn trên toàn cầu, một “đại dịch” có tính chất toàn cầu. Hiện nay tốc độ béo phì đang tăng theo hình dựng đứng.

Cụ thể, trước năm 1970, tỷ lệ béo phì ở học sinh 5-19 tuổi chỉ khoảng 2%, thì nay là 16%. Như vậy, cứ cách 10 năm tăng gấp 2, 3 lần.

Tại Việt Nam, sau 10 năm, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi tăng 1,5 lần (từ 5,6% vào năm 2010 lên 7,4% vào năm 2020). Con số này ở trẻ 5-19 tuổi cũng tăng gấp đôi (từ 8,5% lên 19%). Đặc biệt, tại TP.HCM cứ 2 trẻ sẽ có 1 trẻ bị thừa cân, béo phì.

Tương tự, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở người lớn cũng tăng gần gấp đôi 10 năm (từ 12% lên 19,6%). “Trẻ em là tương lai của đất nước, vì thế rất cần quan tâm đến vấn đề thừa cân béo phì. Nếu cứ để tốc độ này, sau 10 năm tỷ lệ thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học đường sẽ tăng gấp đôi”, bà Mai nhấn mạnh.

Theo bà Mai, có nhiều yếu tố góp phần dẫn đến trẻ bị thừa cân béo phì như: Trẻ bị giảm thời gian ngủ, ít vận động, dinh dưỡng kém chất lượng, bà mẹ bị béo phì trước khi sinh, yếu tố di truyền…

Chuyên gia của Viện Dinh dưỡng cũng thừa nhận, có đến 10 yếu tố tác động khiến con người dần dần bị béo phì gồm: Vận động, dinh dưỡng, virus, hormone, stress, tâm lý, ô nhiễm, công nghệ, thực phẩm, tình trạng xã hội.

Do đó, câu chuyện kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì là thách thức, khó hơn rất nhiều so với việc phòng chống các bệnh lây nhiễm.

Vấn đề ở đây là thay đổi lối sống, môi trường sống, cần có cách tác động vào chính sách để giải quyết môi trường sống cho trẻ, làm thế nào để có khoảng không cho trẻ tập thể dục thể thao.

Đây cũng chính là yếu tố góp phần vì sao chưa cải thiện được tình trạng thừa cân, béo phì của trẻ. Ngoài ra, theo bà Mai, cần truyền thông để thay đổi dần thói quen sinh hoạt trong mỗi gia đình.

Cũng về tình trạng thừa cân, béo phì GS-TS.Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng nói rằng trẻ em bị béo phì ngoài thân hình không đẹp, trẻ còn mắc các rối loạn chuyển hóa mỡ máu, đường… Vì thế, trẻ có thể bị tăng huyết áp sớm, tiểu đường sớm… Hiện nay, đang cảnh báo nhiều về tình trạng trẻ hóa trong các bệnh tim mạch, tiểu đường, xương khớp...

Thay đổi lối sống, chế độ ăn và hoạt động thể lực là nền tảng điều trị thừa cân, béo phì. Với người quá béo, một tháng không nên giảm quá 5kg, còn với những người BMI vượt qua 30 một chút thì hãy giảm dần dần. Đặc biệt, cần quan tâm giảm chu vi vòng eo hơn là chỉ giảm cân.

Béo phì cũng rất dễ tái lại, vì thế luôn phải thực hiện chế độ ăn lành mạnh, vận động để kiểm soát cân nặng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện trên thế giới có 6,5 triệu người béo phì cần điều trị, số tiền điều trị cho béo phì rất lớn. Tỷ lệ tử vong liên quan tới béo phì gấp 2 lần tỷ lệ tử vong của ung thư vú và đại trực tràng cộng lại.

Tin liên quan
Tin khác