TIN LIÊN QUAN | |
Nguy cơ mất 2 thị trường lao động lớn | |
Quản lý xuất khẩu lao động bằng bộ quy tắc ứng xử | |
Nghiêm khắc với lao động Việt Nam tại Hàn Quốc bỏ trốn | |
Dẹp loạn tuyển lao động sang Đài Loan |
Con số lao động đưa đi xuất khẩu năm 2014 đạt 106.000 là thành công để Bộ LĐTB&XH đưa ra mục tiêu này.
Theo ông Tống Nam Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) trọng điểm năm 2014 là Đài Loan và Nhật Bản sẽ tiếp tục là thị trường trọng điểm đưa lao động đi xuất khẩu năm 2015.
Đài Loan và Nhật Bản tiếp tục là 2 thị trường trọng điểm năm 2015 |
Số liệu thống kê tại 2 thị trường này năm 2014 cho thấy, Đài Loan đã tiếp nhận hơn 62.000 lào động và Nhật Bản tiếp nhận 19.766 lao động Việt Nam.
Tại Đài Loan, ông Hải không phủ nhận tại thời điểm Đài Loan đóng cửa với lao động Philipine, số lao động Việt Nam sang Đài Loan tăng vọt nhưng thời gian này chỉ khoảng 4 tháng, sau đó Đài Loan lại được mở cửa với lao động Philipine.
Tuy nhiên, nhìn nhận năm 2015, ông Hải cho rằng, 3 yếu tố khiến thị trường Đài Loan tiếp tục thu hút chủ yếu lao động Việt Nam.
Thứ nhất, Việt Nam đã triển khai lộ trình giảm phí cho người đi lao động sang thị trường này, mặc dù trước đó, chính sách này đã gặp phản ứng gay gắt của không ít DN đưa lao động sang Đài Loan. Mặc dù vậy, sau hơn 2 năm triển khai lộ trình giảm phí cho thấy chính sách này đang đi đúng hướng.
Thứ hai, công tác tuyển chọn được chú trọng. Tất cả DN khai thác đưa lao động sang Đài Loan phải báo cáo với Bộ. Trước đây, 1 DN xuất khẩu có thể ủy quyền cho 3 chi nhánh, mỗi chi nhánh có thể làm thị trường nọ thị trường kia không nhất thiết làm ở 1 thị trường Đài Loan. Tuy nhiên, đầu mối nào làm thị trường Đài Loan phải báo cáo địa chỉ, số điện thoại, người điều hành và cả danh sách bộ máy làm cho Bộ LĐTB&XH.
Thứ ba, bản thân thị trường này có chính sách thúc đẩy kinh tế nên nhu cầu tuyển dụng lao động cao. Nếu trước đây thị trường này chỉ tiếp nhận 100.000 lao động nước ngoài chia đều cho một số nước trong đó chú trọng lao động tại Thái Lan, Indonesia, Philipine.
Hiện thị trường này có số lượng tuyển dụng lớn trong khi Thái Lan, Indonesia, và cả Philipine đang hạn chế xuất khẩu lao động do họ thiếu lao động làm trong nước. "Như vậy, 3 nước cạnh tranh với mình đều có xoay trục không cung ứng nhiều lao động sang Đài Loan nữa. Đây là cơ hội để Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn lao động sang thị trường này.", ông Hải tin tưởng nói.
Với thị trường Nhật Bản, chính sách tiếp nhận lao động xây dựng cho Nhật Bản giai đoạn 2015-2020, giai đoạn Nhật Bản chuẩn bị thế vận hội Tokyo 2020 sẽ mở ra nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam.
Ngoài ra, chính sách Nhật Bản cho phép thực tập sinh về nước trước đó có thể quay trở lại Nhật Bản khiến lượng lớn người Việt Nam có điều kiện sang thị trường này làm việc.
Năm 2014, theo kế hoạch, Bộ LĐTB&XH chỉ đặt kỳ vọng đưa 15.000 lao động sang Nhật Bản. Tuy nhiên, thực tế con số này đã đạt gần 20.000 lao động.
Tại Hàn Quốc, thị trường đang nhận khá nhiều quan tâm của người lao động về việc liệu thị trường này có tiếp tục tiếp nhận lao động Việt Nam không. Ông Hải khẳng định: "Chúng tôi đang làm rất nhiều biện pháp khác nhau trong đó có cả bằng con đường ngoại giao để Việt Nam được ký tiếp thỏa thuận cấp hạn ngạch tuyển dụng lao động nước ngoài từ phía Hàn Quốc."
Ông Hải cho biết thêm, Hàn Quốc đang thu thập đăng ký của chủ sử dụng lao động Hàn Quốc có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài với cơ quan phát triển nguồn nhân lực nước này. Thời hạn chốt đăng ký đến hết 31/1, do đó, phía Việt Nam và Hàn Quốc đặt mục tiêu ký thỏa thuận trước thời điểm 31/1.
Theo số liệu thống kê của Vụ lao động ngoài nước, tổng số lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc khoảng 7.200 người năm 2014, trong đó có 1.600 người là lao động đi theo ngành nghề thuyền viên tàu cá, lao động có kỹ thuật cao. 1.600 lao động này không chịu tác động từ việc ký thỏa thuận trên.
Việt Nam đã đưa lao động xuất khẩu sang Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (gọi tắt là EPS) của Hàn Quốc và có hiệu lực từ tháng 8/2004.
Năm 2011, xuất hiện tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước. Việc gia hạn đưa lao động mới sang Hàn Quốc có giá trị 2 năm một lần. Theo đúng lộ trình lẽ ra đến tháng 8/2012, Việt Nam được gia hạn nhưng tỷ lệ lao động hết hạn không về nước chiếm khoảng 50% dẫn tới phía Hàn Quốc và Việt Nam thống nhất không tuyển lao động mới để giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp.
Ngày 31/12/2013, Bộ trưởng Bộ Lao động đã ký với Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc một thỏa thuận đặc biệt triển khai một số nội dung như những lao động về nước đúng hạn sẽ được làm thủ tục đi lại nếu được chọn. Nhóm thứ 2 những người đã vượt qua kỳ thi năng lực tiếng Hàn tổ chức năm 2011 chưa được đi sẽ được đi. Nhóm thứ 3 là những đối tượng đã đăng ký nộp hồ sơ, nộp tiền nhưng chưa tham gia kỳ kiểm tra năm 2012 do bị gián đoạn thỏa thuận sẽ được kiểm tra để được đi.
Năm 2014, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã ra quyết định xử phạt 782 lao động hết hạn mà không về nước. Thí điểm ký Quỹ từ tháng 11/2013, toàn bộ số lao động đi Hàn Quốc trong năm 2014 là 5.600 người đều phải ký quỹ với mức thí điểm 100 triệu.
Trung tâm lao động ngoài nước đã thành lập ban quản lý lao động ngoài nước tại Hàn Quốc. Theo đó, tỷ lệ lao động làm việc bất hợp pháp nếu năm 2012 là 57%, năm 2013 thời điểm ký thỏa thuận đặc biệt là hơn 47% thì năm nay tỷ lệ này xuống thấp nhất là 32%, cao nhất 38% (phía Hàn Quốc đưa ra đánh giá 3 tháng một lần). Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn cao hơn tỷ lệ trung bình của 14 nước đưa lao động sang Hàn Quốc khoảng 20%.
Mặc dù vậy, những con số giảm trên được xem là đáng kể và tạo tín hiệu tốt cho việc Việt Nam có thể tiếp tục được gia hạn cấp hạn ngạch đưa lao động sang thị trường này.
Và như vậy, năm 2015 có thể tiếp tục là năm khởi sắc của ngành xuất khẩu lao động.
Hải Hà