Hội thảo Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thanh Hoá tại Tokyo - Nhật Bản. (Nguồn ảnh: httpinvestinthanhhoa.gov.vn) |
Hấp dẫn đầu tư, nhộn nhịp thương mại
Môi trường đầu tư vào Thanh Hóa liên tục được cải thiện và chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay - ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã cho biết như vậy khi gặp gỡ các nhà đầu tư hàng đầu Việt Nam như các tập đoàn Vingroup, Sun Group, FLC, HUD, Eurowindow, TH Truemilk, Vietnam Airlines, Vinatex… vào tháng 4/2016 tại Hà Nội. Hiện nay xứ Thanh đang từng bước thay đổi hình ảnh, trở thành một trong những địa phương thu hút đầu tư mạnh mẽ tại Việt Nam.
Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, đến tháng 9/2016, toàn tỉnh có 70 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 12,8 tỷ USD; đứng thứ 6/63 tỉnh thành của cả nước, chủ yếu của các quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Kuwait,…Các lĩnh vực đầu tư: công nghiệp nặng, lọc hóa dầu, xi măng, nhiệt điện, sản xuất cấu kiện bê tông và một số dự án sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, sản xuất phụ kiện…
Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2015 đạt 11,4%. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 11,8%, gần gấp đôi tốc độ bình quân cả nước. Thanh Hóa xếp 6/63 tỉnh, thành phố cả nước về thu hút FDI; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 10 (2015); Chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế (PEII) xếp thứ 6 (2014); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 9 cả nước (2015).
Kết quả trên có được chính là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp hợp tác đầu tư trên địa bàn.Trước đó tỉnh này cũng đã ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư vào tỉnh, đặc biệt là vào các khu công nghiệp. Cụ thể như ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước; Ưu đãi về Thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Chính sách khuyến khích hoạt động dịch vụ tư vấn đầu tư vào các KCN của tỉnh Thanh Hóa.
Tạo nên thành quả đó cũng phải kể đến những đóng góp trong công tác xúc tiến đầu tư, thương mại của tỉnh. Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện thành công nhiều sự kiện xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch có quy mô lớn. Đồng thời, đã thực hiện khá tốt công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch ở nước ngoài; tổ chức giới thiệu danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào tỉnh hiệu quả; đẩy mạnh công tác hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp; công tác thông tin, tuyên truyền và xây dựng tài liệu xúc tiến… Tích cực tư vấn, hỗ trợ nhà đầu tư thông qua việc cung cấp thông tin qua website của trung tâm; tư vấn trực tiếp, tiếp nhận các kiến nghị và tổng hợp hồ sơ trình các cơ quan chức năng xem xét, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án..
Công tác đối ngoại trong xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch luôn có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa công tác đối ngoại với hoạt động xúc tiến đầu tư. Các chương trình đối ngoại và xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tỉnh Thanh Hóa được thường xuyên tổ chức như: Chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trong nước, Chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại nước ngoài và Chương trình tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch…
Khởi sắc du lịch...
Năm 2016 được coi là năm có nhiều chuyển động mới của du lịch xứ Thanh. Hồi tháng 4, tại Hà Nội UBND tỉnh Thanh Hóa và Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Sun Group) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư Dự án “Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En” với đề xuất: Tổng mức đầu tư là 9.990 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Với tiêu chí “Chất lượng - Đẳng cấp - Sự khác biệt”, Sun Group sẽ xây dựng “Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En” thành điểm nhấn về du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí mang tầm vóc quốc tế.
Trước đó, Thanh Hóa cũng đã tạo nên tiếng vang trong làng du lịch Việt Nam khi Khu du lịch FLC Sầm Sơn đi vào hoạt động. FLC được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nêu danh là doanh nghiệp khai phá tiềm năng du lịch của tỉnh với đại dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn, đi vào hoạt động từ tháng 7/2015. FLC Sầm Sơn đã góp phần đáng kể vào con số tăng trưởng lượng khách du lịch đến với Thanh Hóa. Năm 2015, tỉnh này đón 5,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 125.000 lượt.
Phối cảnh Khu du lịch FLC Sầm Sơn |
Tỉnh Thanh Hóa là một trong số ít địa phương của Việt Nam có đầy đủ các loại hình du lịch hấp dẫn với trên 1.535 di tích lịch sử, văn hóa có giá trị.
Về Du lịch Văn hóa, tỉnh có thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa Thế giới. Khu di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận là di tích đặc biệt cấp Quốc gia. Ngoài ra còn có các khu di tích văn hóa tâm linh nổi tiếng như Am Tiên, đền Bà Triệu; Các lễ hội truyền thống: lễ hội Lam Kinh, trò Xuân Phả,…
Với nhiều thắng cảnh tự nhiên như các bãi biển đẹp: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa,... rất thuận tiện cho phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp cùng với các dịch vụ đi kèm cao cấp: MICE, golf course, spa,…
Các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên, Vườn Quốc gia Bến En là những điểm đầu tư du lịch sinh thái lý tưởng.
Các đại biểu chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác tổ chức các tour du lịch giữa Công ty ACE Hàn Quốc và các công ty lữ hành du lịch tỉnh Thanh Hóa. (Nguồn ảnh: httpinvestinthanhhoa.gov.vn) |
Với những tiềm năng được định vị, các dự án đã được cụ thể hóa. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ luôn sát cánh cùng nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất, đảm bảo rút ngắn tối đa thời gian hoàn thiện thủ tục giấy tờ sẽ là những điểm cộng để có thêm nhiều đại dự án du lịch được khởi công và sớm đi vào hoạt động tại Thanh Hóa.