Khu vực sản xuất đai truyền lực của Nhà máy Bosch tại Đồng Nai. Ảnh: Lê Toàn |
Hợp tác mới tăng cường tính bền vững
Tuần trước, Ziehl-Abegg (doanh nghiệp Đức chuyên về động cơ điện, thiết bị điều hòa không khí và quạt) công bố kế hoạch khởi động một nhà máy sản xuất các sản phẩm liên quan tới ống thông gió tại Việt Nam, đánh dấu bước tiến đáng kể nhằm mở rộng sự hiện diện trên toàn cầu. Dự án có vốn đầu tư khoảng 20 triệu USD.
Ông Joachim Ley, đại diện Công ty Ziehl-Abegg Việt Nam cho biết, Nhà máy Ziehl-Abegg tại Đồng Nai dự kiến sản xuất hàng loạt vào cuối năm 2024. Ziehl-Abegg Việt Nam cam kết sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý và phát triển bền vững. Doanh nghiệp hướng đến sản xuất động cơ điện và quạt hiện đại, hiệu suất cao giúp giảm lượng khí thải và góp phần tạo ra một thế giới sạch cho thế hệ tương lai.
Trước đó, Roding Mobility - một công ty Đức chuyên về dịch vụ tư vấn kỹ thuật và thiết kế sản phẩm trong ngành giao thông đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần Thái Bình Hưng Thịnh (Thái Hưng Corp) để tăng cường nghiên cứu, phát triển và sản xuất xe điện (EVs) nhỏ gọn trong nước.
Ông Franz Ferdinand Heindlmeier, CEO Roding Mobility bày tỏ lạc quan về tương lai của xe điện tại Việt Nam. “Trong khung khổ thỏa thuận hợp tác này, Roding Mobility sẽ hỗ trợ về chuyên môn qua các giai đoạn khác nhau của chu trình phát triển sản phẩm, bao gồm thiết kế, tuân thủ tiêu chuẩn, đánh giá nguồn cung và kỹ thuật sản xuất”, ông nói.
Ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng, Deutsche Bank (ngân hàng lớn nhất nước Đức), vào cuối tháng 5 năm nay, đã công bố kế hoạch đầu tư thêm 100 triệu USD vào chi nhánh tại TP.HCM, nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên hơn 200 triệu USD. “Việc rót vốn này là minh chứng cho niềm tin của chúng tôi vào triển vọng tương lai của Việt Nam”, ông Alexander von zur Muehlen, CEO, thành viên HĐQT Deutsche Bank khu vực châu Á - Thái Bình Dương giải thích.
Là “cánh tay nối dài” phụ trách mảng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Đức (KfW), Quỹ DEG cũng thể hiện sự quan tâm đến Việt Nam thông qua dòng vốn gián tiếp. Tháng 2/2023, DEG đã chấp thuận đầu tư 18 triệu USD vào Quỹ Vertex Ventures - một quỹ đầu tư tập trung vào Đông Nam Á và Ấn Độ. Khoản đầu tư này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các start-up sáng tạo. Trước đó, DEG cam kết tài trợ 25 triệu USD cho Tổng công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) để nâng cao năng lực cấp nước.
Trang InternationalBanker nhận xét, Việt Nam đang thực hiện những bước tiến đáng kể hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp châu Âu như Siemens - một tập đoàn công nghệ công nghiệp có trụ sở tại Đức.
Bà Vũ Chi Mai, Trưởng hợp phần Năng lượng tái tạo, Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng, thuộc Chương trình Hỗ trợ năng lượng GIZ (ESP) của Đức chia sẻ, tổ chức này sẽ tiếp tục nghiên cứu về các công nghệ mới như hydro xanh và lưu trữ năng lượng. Tất cả các hoạt động này góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững của Việt Nam.
Ngoài ra, giảm dần nhiệt điện than cũng là một khía cạnh mới trong hợp tác giữa Đức và Việt Nam, với hai dự án khu vực về năng lượng sạch cho Đông Nam Á (CASE) và chuyển đổi năng lượng công bằng (IKI-JET).
Triển vọng tươi sáng đi cùng nhiều tiêu chuẩn khắt khe
Theo Báo cáo triển vọng kinh doanh toàn cầu AHK 2023 được công bố đầu tháng 7/2023, 91% các doanh nghiệp Đức có kế hoạch đầu tư hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam, với 40% dự định tăng lực lượng lao động trong năm tới. Khoảng 88% số doanh nghiệp tham gia khảo sát bày tỏ tin tưởng vào tình hình kinh doanh lạc quan tại Việt Nam. Gần một nửa số doanh nghiệp Đức dự đoán sự tăng trưởng kinh tế ổn định tại quốc gia này, trong khi 21% tin rằng, tình hình kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều tín hiệu đáng mừng hơn nữa.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới sẽ được thúc đẩy bởi các hiệp định thương mại tự do, việc chuyển dịch chuỗi cung ứng đến Đông Nam Á và các khoản đầu tư xanh. Đặc biệt, các công ty Đức ưu tiên đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, với những lựa chọn hàng đầu là Việt Nam, Malaysia và Thái Lan.
GS. Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia của Tổ chức FNF Việt Nam (có trụ sở tại Đức) tin tưởng, thông qua hợp tác với các quốc gia thuộc EU, bao gồm Đức, Việt Nam sẽ tiếp tục thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường quan hệ đối tác thương mại. Việt Nam có thể cải thiện vị thế của mình với tư cách là một đối tác kinh tế nhiều tiềm năng thông qua hợp tác với các quốc gia thuộc khối EU, đặc biệt là Đức.
“Đối với Việt Nam, vốn đầu tư từ các quốc gia EU như Đức có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đa dạng hóa các đối tác kinh tế nước ngoài. Tuy nhiên, những nền kinh tế từ châu Âu đưa ra nhiều yêu cầu chặt chẽ đối với phía Việt Nam, đặc biệt là nâng cao cải thiện quy trình hành chính, tăng tính minh bạch, tính tuân thủ và nguồn nhân lực chất lượng cao”, GS. Stoffers chia sẻ.
Ngoài Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), GS. Stoffers cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU (EVIPA). EVIPA đưa ra các tiêu chuẩn chính xác, khắt khe hơn để bảo vệ những nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư tới từ Đức, bao gồm các quy định về không phân biệt đối xử, cam kết đối xử tự do và bình đẳng. Hiệp định này cũng cho phép nhà đầu tư hồi hương/chuyển tiền liên quan đến đầu tư, đền bù nhanh chóng và đầy đủ trong trường hợp bị sung công và một sự đảm bảo liên quan đến các nghĩa vụ hợp đồng và pháp lý.
Số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho thấy, từ ngày 1/1/2023 tới 20/6/2023, có 18 dự án mới được đăng ký đầu tư bởi doanh nghiệp tới từ Đức, với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 159,37 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái (đạt 34,03 triệu USD), tổng vốn đăng ký cấp mới tăng gấp 518%, phần nào thể hiện rõ niềm tin của nhà đầu tư Đức vào môi trường kinh doanh tiềm năng tại Việt Nam.