Một quý kinh doanh vất vả
“Cơn bão đi qua, nhưng tổn thương để lại vô cùng lớn. Hàng ngàn tỷ đồng của bà con và doanh nghiệp bị trôi ra biển, chúng tôi sẽ phải tìm cách làm lại, nhưng toàn bộ chuỗi sản xuất bị đứt gãy”, bà Nguyễn Thị Hải Bình, CEO Tập đoàn STP (Quảng Ninh) trầm giọng khi chia sẻ về những ngày tháng 9 giông bão.
Dù phần lớn hệ lồng bè nuôi trồng thủy sản của STP tìm lại được sau khi bị bão cuốn trôi 3 ngày nhờ hệ thống định vị, nhưng hàng vạn con cá, giỏ hàu, dây rong và cả nguồn rong bao năm gây dựng không còn. Công nợ với bà con trồng rong sụn ở Vân Đồn của STP sẽ phải khoanh lại…
“Lo nhất là đứt gãy đầu ra. Người mua hàng của chúng tôi sẽ đi tìm đối tác mới vì giờ chúng tôi chưa thể quay lại nuôi biển được”, bà Bình nói.
Tập đoàn STP là một trong số rất nhiều doanh nghiệp có một quý III khó khăn. Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/10 cho thấy bức tranh với gam trầm của nhiều doanh nghiệp ở các địa phương có cơn bão đi qua.
Không chỉ các doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp của bão lũ cảm nhận điều này, mà doanh nghiệp không chịu bão lũ cũng than khó. Theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động sản xuất, kinh doanh quý III không thuận lợi như quý II. Số doanh nghiệp hoạt động tốt hơn là 34,7% (thấp hơn tỷ lệ 37,4% của quý trước). Số doanh nghiệp thấy khó khăn cũng cao hơn, với tỷ lệ tương ứng là 22,7% và 21%.
Điều đáng nói là các doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn cảm thấy khó khăn hơn khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước.
Danh mục khó khăn... vẫn rất cũ
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) tiếp tục trăn trở với những khó khăn chưa vơi của cộng đồng doanh nghiệp, dù niềm tin kinh doanh đã được củng cố.
“Cuộc làm việc với 10 hiệp hội doanh nghiệp gần đây tiếp tục cho thấy thực tế này. Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp tư nhân dường như vẫn bơ vơ trong những khó khăn, khi các vướng mắc mà họ kiến nghị vẫn như lần khảo sát trước”, bà Thủy cho biết.
Theo khảo sát của Ban IV, khó khăn hàng đầu là thiếu đơn hàng, thứ hai là nguy cơ hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Thủ tục hành chính phức tạp, khó đáp ứng các quy định; khó khăn về dòng tiền và về thông tin thị trường tiếp tục là những thách thức với doanh nghiệp.
Tương tự, khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, có 53% doanh nghiệp trả lời là gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước vẫn ở mức thấp; 50,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do sự cạnh tranh của hàng hóa trong nước ngày càng cao và 31,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu hàng hóa tại các thị trường quốc tế vẫn chưa hoàn toàn phục hồi.
Nguồn vốn vẫn là điểm nghẽn lớn nhất với đa phần doanh nghiệp trong số các khó khăn về đầu vào.
Khảo sát của Ban IV cũng ghi nhận mối lo hình sự hóa các giao dịch kinh tế đã nổi lên, trở thành khó khăn thứ hai trong nhóm 5 khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp. Cùng với đó, bà Thủy cho biết, nội hàm của những khó khăn cũng có thay đổi so với các lần khảo sát trước của Ban IV với các doanh nghiệp.
“Cũng là khó khăn về dòng tiền, nhưng cuối năm ngoái là khó chạm vào tiền vì không có việc, còn kỳ này là có việc, có dự án, nhưng không đáp ứng được điều kiện cho vay. Nhiều doanh nghiệp do khó khăn, nợ cũ chưa trả xong, dù có được giãn, hoãn thời gian trả, nhưng đã bị chuyển nhóm nợ. Tài sản thế chấp khó khăn. doanh nghiệp đang đặt vấn đề, có cách nào để họ tiếp cận vốn thuận lợi hơn không, như cách một số ngân hàng cho vay tín chấp với doanh nghiệp sử dụng phần mềm kế toán MISA do đáp ứng yêu cầu về minh bạch...”, bà Thủy chia sẻ thông tin từ cuộc khảo sát gần 900 doanh nghiệp.
Mong muốn “được làm” và “làm nhanh”
Trong kế hoạch trở lại của STP mà bà Hải Bình đang trăn trở, câu hỏi về nguồn lực và thời gian không dễ trả lời.
“Lãnh đạo địa phương rất quan tâm, đề nghị doanh nghiệp cùng với bà con tìm kiếm dự án mới. Địa phương sẽ tìm nguồn ngân sách để hỗ trợ cho bà con. Nhưng câu hỏi của tôi là bao giờ mới triển khai được nếu dùng ngân sách? Nếu một mình doanh nghiệp thì không đủ lực vì đầu tư sẽ rất lớn”, bà Bình chia sẻ.
Hiện STP mới chủ động triển khai chương trình hỗ trợ thanh toán trả chậm không lãi suất cho bà con ngư dân đầu tư lại lồng bè HDPE.
Nỗi lo về tốc độ đang khiến nhóm doanh nghiệp xây dựng bước vào quý IV chấp chới hơn sau cơn bão Yagi. 45% doanh nghiệp gặp khó khăn do không có hợp đồng xây dựng mới, 44,8% doanh nghiệp gặp khó khăn do giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao và 32% doanh nghiệp gặp khó khăn do điều kiện thời tiết không thuận lợi cho thi công.
Trong số các kiến nghị mong được tháo gỡ, ngoài vốn và vật liệu xây dựng, 38,8% doanh nghiệp đề nghị công khai, minh bạch các thông tin về đấu thầu; 32,8% doanh nghiệp đề nghị tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính; 25,2% doanh nghiệp đề nghị được bàn giao mặt bằng sạch đúng kế hoạch để đảm bảo thời gian thi công đúng hợp đồng ký kết.
Đặc biệt, 25,1% doanh nghiệp đề nghị phải có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản để doanh nghiệp xây dựng quay vòng vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.
“Doanh nghiệp tiếp tục bất an với điều kiện kinh doanh phức tạp, khó tuân thủ và đang có xu hướng quay trở lại tiền kiểm, thay vì hậu kiểm”, bà Thủy phân tích thêm. Riêng doanh nghiệp về xây dựng còn cho biết, từ khoảng 10 năm trở lại đây, thủ tục trong ngành này rất khó khăn, nhiều thủ tục con, phải xin quá nhiều giấy phép.
Hệ quả là, tình trạng phân cấp, phân quyền giải quyết thủ tục hành chính còn hình thức, trình tự để thực hiện 1 dự án đầu tư quá dài. Chưa kể, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm cũng khiến tốc độ của nhiều quy trình, thủ tục trở nên khó xác định thời gian hoàn thành...
Những bất cập này không chỉ làm khó doanh nghiệp, mà còn giảm cơ hội đầu tư cũng như giảm sự hấp dẫn của môi trường đầu tư ở Việt Nam.
“Hiện số doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô do dự báo tích cực về tình hình kinh tế vĩ mô năm tới tăng khá cao so với kỳ khảo sát trước. Nhưng các doanh nghiệp cũng chia sẻ, họ rất sợ sách nhiễu, sợ quá nhiều thủ tục, quá nhiều điều kiện kinh doanh”, bà Thủy thẳng thắn.