Doanh nghiệp trong các ngành vật liệu xây dựng, đồ gỗ, dệt may, da giày… kỳ vọng đơn hàng sẽ trở lại vào cuối năm. |
Khúc mắc dần gỡ
Trước ngày 5/9, các doanh nghiệp có ý kiến liên quan đến Dự thảo sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình (Dự thảo sửa đổi Thông tư 06/2021/TT-BXD) có thể gửi về Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để tổng hợp, gửi Ban Soạn thảo.
VCCI thúc giục các doanh nghiệp trong công văn gửi nội dung Dự thảo sửa đổi Thông tư 06/2021/TT-BXD mà Bộ Xây dựng vừa hoàn tất. “Văn bản này sẽ tác động đến tất cả doanh nghiệp”, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban Pháp chế của VCCI nhấn mạnh trong công văn.
Trong tài liệu thuyết minh của Ban Soạn thảo, Dự thảo bổ sung tiêu chuẩn áp dụng đối với nhà ở kết hợp kinh doanh có chiều cao dưới 25 m; tiêu chí đánh giá về an toàn cháy cho các công trình; sửa đổi quy định về phân loại kỹ thuật về cháy, đảm bảo an toàn cho người, ngăn chặn cháy lan, cấp nước chữa cháy…
Dự thảo hướng dẫn rõ hơn việc phân cấp cho các địa phương về quyền ban hành quy chuẩn địa phương thay thế cho các yêu cầu của QCVN 06:2022/BXD.
Đặc biệt, các quy định về pháp lý và kỹ thuật, các tài liệu viện dẫn, tiêu chí đánh giá được bổ sung để người thiết kế có thể thiết kế an toàn cháy gắn với điều kiện cụ thể của công trình, mà không bị ràng buộc bởi các thông số tiền định của Quy chuẩn. Ban Soạn thảo đã bỏ yêu cầu phải có sự thống nhất của Bộ Xây dựng, nghĩa là cắt khá nhiều thủ tục hành chính, nhằm khuyến khích sự phát triển tư vấn chuyên nghiệp…
Dự thảo này rất được chờ đợi, vì hoàn thiện sau cuộc đối thoại cách đây hơn 1 tháng, vào ngày 20/7/2023, giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cùng VCCI tổ chức.
Trong cuộc đối thoại đó, hội trường chật kín, nhiều đại diện doanh nghiệp không có chỗ ngồi. Rất nhiều câu hỏi đã được gửi tới, từ doanh nghiệp lớn, như Vingroup, Đường Quảng Ngãi, các doanh nghiệp logistics, cảng biển, kinh doanh xăng dầu, đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Tuyên Quang, Thanh Hóa…
Các khúc mắc cũng rất đa dạng, từ sự khác nhau trong vận dụng quy định của các địa phương, đến thiếu quy chuẩn thống nhất trong việc thẩm duyệt nghiệm thu, thời gian và chi phí khiến doanh nghiệp không thể dự toán được chi phí cho hoạt động này.
Thậm chí, bà Nguyễn Thị Thu Liên, Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Thực phẩm minh bạch tại Hà Nội còn than khổ hộ hội viên, khi doanh nghiệp đã phải thay đổi công năng của nhà máy, từ làm dệt may, chế biến gỗ sang làm trái cây đóng hộp do hết đơn hàng, nhưng lại bị yêu cầu thẩm định lại phương án phòng cháy chữa cháy, dù công năng mới không phát sinh nguy cơ cháy nổ cao hơn, khiến khó chồng khó, chi phí đội chi phí…
“Có hội viên đặt câu hỏi, tại sao Quy chuẩn 06 quy định phương án thẩm định cho kho hàng có chiều cao kệ hàng dưới 5,5 m, còn cao hơn thì theo thẩm định riêng, phương án riêng. Điều này khó cho doanh nghiệp lắm, vì thời đại này, khi có robot, thì các kho có chiều cao lớn sẽ chiếm đa số…”, bà Liên cho biết.
Vẫn chưa dám nói đến từ phục hồi
Ngay sau cuộc đối thoại, một số doanh nghiệp đã chia sẻ rằng, băn khoăn lớn nhất lúc này là không biết bao giờ các đề xuất, kiến nghị được gỡ.
“Có thể chưa giải quyết dứt điểm mọi khó khăn, nhưng cái gì gỡ được thì doanh nghiệp rất mong gỡ nhanh”, ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tuyên Quang đặt kỳ vọng vào các cam kết “sẽ sớm sửa ngay” của các cơ quan quản lý nhà nước trong cuộc đối thoại.
Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tuyên Quang
Trước đó, ông viện dẫn nhiều khó khăn có thể giải quyết ngay, như việc yêu cầu thử nghiệm vật liệu chống cháy đến biến dạng, khiến chi phí tăng rất cao; hay các cơ sở sản xuất gạch tuy-nen, gang thép đã xây bằng gạch chịu lửa rồi, không có vách ngăn vẫn bị yêu cầu thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy…
Trong một số cuộc làm việc gần đây của các hiệp hội ngành hàng, như vật liệu xây dựng, đồ gỗ, dệt may, da giày…, tín hiệu khả quan dần hơn về đơn hàng đã được nhắc tới, tuy có thể phải đợi đến các tháng cuối cùng của năm mới xác nhận được, vì các thị trường cần có thời gian giải tỏa hàng tồn đã nhập với giá cao trước đó, trong bối cảnh cầu yếu. Có doanh nghiệp cho biết, đã cắt giảm lao động, phần lớn ở cấp trung gian, giảm tối đa chi phí…
“Dù vậy, nhiều hiệp hội doanh nghiệp cho biết, rất ít doanh nghiệp dám nói đến từ phục hồi vào thời điểm này”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nói.
Nhưng cũng chính thời điểm này, các cam kết tháo gỡ vướng mắc, đơn giản thủ tục hành chính… tiếp tục là những kiến nghị hàng đầu của doanh nghiệp. Bà Thủy tiếp tục nhắc đến các đề xuất tháo gỡ các vướng mắc mà doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã nêu rất nhiều và rất lâu chưa được giải quyết, như hoàn thuế VAT, gỡ khó tiếp cận tín dụng, nhất là gói tín dụng hỗ trợ các dự án nhà ở xã hội…
Cũng trong tuần này, VCCI đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp gửi những bất cập, vướng mắc của các quy định pháp luật và/hoặc những chồng chéo giữa các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đưa ra các kiến nghị, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện (nếu có).
Mong muốn của VCCI là hoàn tất việc cập nhật các khó khăn trước ngày 31/8 để gửi Bộ Tư pháp, để bộ này tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Liên quan vấn đề trên, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, tốc độ giải quyết khó khăn của doanh nghiệp quá chậm.
“Tôi đề xuất 2 điểm nóng cần gỡ ngay, đó là hoàn thuế VAT và phòng cháy chữa cháy”, ông Cung nói. Tuy nhiên, ông cũng chờ đợi cách làm quyết liệt hơn. “Theo kinh nghiệm của tôi, thì Thủ tướng Chính phủ phải đích thân xuống làm việc để tháo gỡ vướng mắc”, ông Cung đề xuất.