- Di dời, chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1: Cuộc “đại phẫu” chưa tiền lệ, ngập thách thức - Bài 1
- Di dời, chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1: Cuộc “đại phẫu” chưa tiền lệ, ngập thách thức - Bài 2
- Di dời, chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1: Cuộc “đại phẫu” chưa tiền lệ, ngập thách thức - Bài 3
- Di dời, chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1: Cuộc “đại phẫu” chưa tiền lệ, ngập thách thức -Bài 4
Ngày 16/10, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành về tiến độ di dời các nhà máy, xí nghiệp để chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau khi tỉnh phê duyệt Đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị, thương mại, dịch vụ vào tháng 2/2024, các đơn vị liên quan đã triển khai các công việc được giao. Tuy nhiên, theo đánh giá, tiến độ thực hiện các công việc vẫn rất chậm.
Một góc Khu công nghiệp Biên Hòa 1, tỉnh Đồng Nai - Ảnh: Lê Vĩnh |
Nguyên nhân vì các doanh nghiệp chưa di dời do chờ cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì mới có chi phí để lên phương án di dời.
Còn việc di dời các hộ dân sống trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hiện chưa có cơ sở pháp lý để xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân.
Hơn nữa, các quy định pháp luật liên quan cũng có sự thay đổi nên tiến độ thực hiện các công việc cũng bị ảnh hưởng.
Do lộ trình di dời 2 giai đoạn thực hiện chậm, đặc biệt là giai đoạn 1 hoàn thành vào tháng 12/2024 đến nay chỉ còn hơn 1 tháng nữa nên rất khó thực hiện.
Vì vậy, Sở Kế hoạch Đầu tư kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai xem xét thay đổi lộ trình thực hiện di dời giai đoạn 1 và gộp chung với giai đoạn 2 là hoàn thành di dời vào cuối năm 2025.
Sau khi nghe các sở, ngành báo cáo tiến độ, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đánh giá tiến độ thực hiện các công việc thời gian qua rất chậm. Đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ lập dự toán kinh phí để tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ di dời các nhà máy, xí nghiệp cũng chưa hoàn thành.
Còn việc điều chỉnh quy hoạch, thi tuyển ý tưởng thiết kế quy hoạch, tiến độ triển khai các tuyến đường cũng rất chậm.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu các sở, ngành trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao đẩy nhanh tiến độ triển khai. Trường hợp tiến độ thực hiện thay đổi so với Đề án Chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1, thì tổng hợp báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xem xét.
Theo Đề án di dời các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt vào tháng 2/2024 thì có 76 doanh nghiệp phải di dời và chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1, hoàn thành trước tháng 12/2024. Giai đoạn này sẽ di dời giải phóng mặt bằng toàn bộ đối với 10 công ty và một phần diện tích của 4 công ty khác.
Giai đoạn 2, hoàn thành trước tháng 12/2025, di dời các doanh nghiệp còn lại.
Ước tính tổng chi phí hỗ trợ bồi thường cho doanh nghiệp để giải phóng mặt bằng là hơn 7.500 tỷ đồng (chi phí này có thể thay đổi theo từng giai đoạn).
Ngoài ra, cần thêm 1.270 tỷ đồng để hỗ trợ chi phí ổn định đời sống cho người lao động, chi phí đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp sau khi di dời.
Như Báo Đầu tư đã phản ánh trong loạt bài viết "Di dời, chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1: Cuộc đại phẫu chưa tiền lệ, ngập thách thức", việc di dời khu công nghiệp đầu tiên là chưa có tiền lệ, chưa có chính sách dẫn tới quá nhiều thách thức cho tỉnh Đồng Nai trong cuộc “đại phẫu lịch sử” này.