Thời sự
Đột phá từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp chế biến chế tạo
Thu Lê - 01/12/2022 07:52
Đây là chủ đề của Toạ đàm khoa học do Tỉnh uỷ Quảng Ninh phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức tại thành phố Móng Cái vào chiều ngày 30/11.

Toạ đàm khoa học “Đột phá từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp chế biến, chế tạo” đã tập trung thảo luận 3 nhóm vấn đề lớn. Một là làm rõ vai trò của công nghiệp chế biến, chế tạo đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Hai là đánh giá thực trạng phát triển; cơ cấu kinh tế công nghiệp chế biến, chế tạo tại tỉnh Quảng Ninh thời gian qua; những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân của hạn chế, và những vấn đề đặt ra. Ba là đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm phát triển hiệu quả ngành này tại tỉnh Quảng Ninh thời gian tới.

Quang cảnh Toạ đàm.

Ông Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Quảng Ninh phát biểu đề dẫn đã khẳng định: “Tháng 11/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU - nghị quyết đầu tiên của cả nhiệm kỳ về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nghị quyết đã tạo ra sự đột phá, mở ra hướng phát triển toàn diện cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh”.

Đến nay, sau 2 năm triển khai thực hiện, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã đạt được những bước phát triển đột phá, thực sự trở thành động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế của tỉnh. Cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển dịch, ghi dấu ấn trong bức tranh kinh tế của Quảng Ninh với mức tăng trưởng cả năm 2021 là 32,19% (gần gấp đôi so với 17% của năm 2020), đóng góp 3,36 điểm % vào kết quả tăng trưởng chung của cả tỉnh. Riêng 9 tháng năm 2022, tốc độ tăng trưởng cũng đạt 10,97%. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP của tỉnh cũng nâng lên từ 6,7% năm 2010 lên 9,9% năm 2020 và lên 11,9% năm 2021 và tiếp tục tăng lên 12,3% trong 9 tháng đầu năm 2022.

Ông Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi tọa đàm.

Quy mô doanh nghiệp lĩnh vực chế biến, chế tạo phát triển nhanh, bình quân tăng 11,2%/năm. Năm 2010, Quảng Ninh có 291 doanh nghiệp chế biến, chế tạo, thì đến hết năm 2021 đã có hơn 800 doanh nghiệp, chiếm hơn 80% số doanh nghiệp trong toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo từ năm 2010 đến nay đạt trên 69.000 tỷ đồng. Thu hút vốn đầu tư của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết đạt trên 32.976 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn FDI đạt trên 1,1 triệu USD.

Năng lực sản xuất của lĩnh vực này được bổ sung với nhiều sản phẩm mới giá trị gia tăng cao như: Tivi, loa, vải dệt thoi từ sợi tổng hợp, thân mũ... Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GRDP của tỉnh năm 2021 đạt 11,9% (tăng 2,1% so với năm 2020); năm 2022 ước đạt 11,5%, đóng góp 1,28 điểm % trong tăng trưởng GRDP, dần tiến tới mục tiêu đã đề ra là đến năm 2025, công nghiệp CBCT sẽ chiếm 15% trong cơ cấu GRDP của tỉnh.

Tuy nhiên, theo ThS. Lê Nguyên Thành, Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu phát triển công nghiệp và năng lượng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương đánh giá: "So sánh với 11 địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng, đến năm 2020 giá trị tăng thêm của ngành chế biến, chế tạo tỉnh Quảng Ninh mới chỉ đóng góp khoảng 3,3% trong cơ cấu giá trị công nghiệp chế biến, chế tạo của vùng Đồng bằng sông Hồng (tăng nhẹ so với năm 2010, chiếm khoảng 2,9%). Trong vùng Đồng bằng sông Hồng, công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh hiện đứng thứ 9/11 địa phương (xếp trên 02 tỉnh Ninh Bình, Thái Bình và tương đương với tỉnh Nam Định)".

Còn theo PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thì kết quả phát triển ngành công nghiệp, cụ thể chế biến chế tạo của Quảng Ninh đang bộc lộ một số vấn đề. “Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chiến tỉ lệ thấp, còn công nghệp điện chưa phải điện xanh, công nghiệp khai khoáng vẫn chiếm tỷ trọng lớn và kéo theo nhiều nhiều vấn đề. Để phát triển công nghiệp chế biến chế tạo công nghệ cao, Quảng Ninh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng phải làm rõ chiến lược thu hút cho giai đoạn tới. Dù thu hút dự án vào lĩnh vực công nghệ cao mà người lao động chủ yếu làm ở khâu gia công, lắp ráp thì giá trị đóng góp cho nền kinh tế sẽ rất thấp và không bền vững”.

Ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái tham luận tại buổi tọa đàm.

Hiện, Quảng Ninh là địa phương có nhiều khu kinh tế nhất, có hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội đồng bộ, kết nối cao. Tỉnh đã có trên 4.000 ha đất công nghiệp được cấp phép, nhưng mới thu hút đầu tư hạ tầng được hơn 2.200 ha. Diện tích đất công nghiệp đã được lấp đầy là 650 ha, diện tích đất mặt bằng sạch có thể cho nhà đầu tư thứ cấp thuê được ngay là trên 500 ha.

Thẳng thắn chỉ ra điểm hạn chế trong phát triển công nghệp chế biến, chế tạo của Quảng Ninh, ông Ngân cho rằng: Một trong những yếu tố khiến cho ngành phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh là do hiệu quả của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong công nghiệp chế biến, chế tạo còn thấp, hiệu quả thu hút các dự án lớn, có tính động lực chưa cao.

Chia sẻ về nguyên nhân của thực trạng này, ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cho biết: “Ngoài nguyên nhân khách quan do tác động của Covid, xung đột Nga – Ukraina, thì còn có một số nguyên nhân như các doanh nghiệp phụ trợ trong các ngành công nghiệp của tỉnh còn kém; lực lượng lao động có tay nghề còn thiếu. Hơn nữa, tỉnh đã đưa ra 1 số tiêu chí thu hút đầu tư chặt chẽ hơn, trên cơ sở không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, nên Ban đã tham mưu từ chối những dự án có nguy cơ tới môi trường”.

Là một trong những địa phương trọng điểm của tỉnh trong thu hút đầu tư nước ngoài, ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành uỷ Móng Cái đã nhắc đến 6 khó khăn trong việc phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của thành phố. Đó là việc thiếu nguồn nhân lực; giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn; chính sách thu hút đầu tư chưa đủ mạnh, chưa đủ sức cạnh tranh; hạ tầng kết nối liên vùng dù đã tốt, song kết nối nội vùng chưa hoàn thiện; vai trò dẫn dắt của nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp chưa cao; chi phí đầu tư, chi phí nhân công cao làm giảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. “Đây cũng là những điểm mà thành phố cần cải thiện nhanh chóng để tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo”, ông Nam nhấn mạnh.

Phó giáo sư, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu tại buổi tọa đàm.

Phát biểu tổng kết tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định những ý kiến tham luận tại tọa đàm đã đưa ra những luận cứ khoa học, thực tiễn quan trọng để góp phần định hướng sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh cũng như trong phạm vi cả nước.

Trong đó, đặc biệt là sự quyết liệt, hiệu quả trong quá trình triển khai Nghị quyết 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030” của Quảng Ninh là kinh nghiệm, bài học thực tiễn quan trọng để đúc kết, tổng hợp thành những cơ sở lý luận phục vụ cho định hướng phát triển giai đoạn tới.

Tin liên quan
Tin khác