Thời sự
Gắn kinh doanh với quản trị rủi ro thiên tai
Hải Hà - 15/03/2013 12:09
Theo nghiên cứu mới đây của Quỹ châu Á, Việt Nam là 1 trong 5 nước có rủi ro thiên tai cao nhất thế giới, với mức thiệt hại ước tính chiếm 1,5% GDP hàng năm.
TIN LIÊN QUAN

Vẫn theo quỹ này, mỗi năm, có khoảng 85% doanh nghiệp Việt Nam bị bão tấn công, 45% bị lũ lụt, 12% bị lốc xoáy, khoảng 60% doanh nghiệp bị thiệt hại trong đó 5% trong số này chịu thiệt hại rất nặng nề tập trung vào nhà xưởng (52%), thiết bị (42%) và thiệt hại về mặt hàng hóa là 47%.

Trong khi đó, có khoảng 5% số doanh nghiệp ở Việt Nam không quan tâm đến phòng chống thiên tai, 46% doanh nghiệp có quan tâm, nhưng chưa có kế hoạch phòng chống và ứng phó thiên tai; 33% doanh nghiệp đã có kế hoạch, nhưng không đủ năng lực và nguồn lực để thực hiện; 43% doanh nghiệp chưa có kế hoạch phân công nhiệm vụ khi khẩn cấp và 55% doanh nghiệp chưa có kế hoạch phục hồi sau thiên tai.

Dẫn chứng những rủi ro về thiên tai gây hại về tài sản cho doanh nghiệp có thể kể tới là cơn bão Xangsanne số 6 (năm 2006) gây thiệt hại cho CTCP Dược Danapha tới 40 tỷ đồng, chủ yếu tại kho nguyên liệu, bao bì và đặc biệt là kho thành phẩm. Gió bão đánh sập mái tôn, trần nhà, toàn bộ hệ thống điều hòa không khí trung tâm tại Công ty bị hỏng hoàn toàn.

Với Công ty Vũ Phong (chuyên sản xuất nước đá, đóng tại Đà Nẵng), sau cơn bão Chanchu, toàn bộ nhà xưởng của Công ty bị thiệt hại nặng, tổng thiệt hại ước khoảng 150 triệu đồng. Là doanh nghiệp nhỏ và mặc dù nhà xưởng đã được xây dựng lại toàn bộ, nhưng cơ sở mới của Công ty cũng không thể chịu đựng được bão cấp 12.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc các doanh nghiệp không quan tâm tới phòng chống rủi ro thiên tai, theo ông Nguyễn Trí Thanh (chuyên gia Quỹ châu Á) là do chính sách về quản lý rủi ro thiên tai đối với doanh nghiệp còn thiếu, chưa rõ ràng. “Những chính sách này nếu có, cũng chưa được thực thi hiệu quả. Các dự án về quản lý rủi ro thiên tai chưa gắn kết được khối doanh nghiệp hoặc không để ý đến vai trò của khối doanh nghiệp”, ông Thanh nhận xét.

Khảo sát mới đây do Quỹ châu Á phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại những khu vực xung yếu của miền Trung hoàn toàn không có kế hoạch phòng ngừa rủi ro thiên tai. Gần 70% số doanh nghiệp nhỏ và vừa không có số điện thoại khẩn cấp khi thiên tai xảy ra. Số doanh nghiệp này cũng không có hệ thống thông tin, phương án giao thông dự phòng đặc biệt, trên 90% doanh nghiệp không có phương án xử lý ngập úng.

Để giải quyết tình trạng này, năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13/7/2009. Đề án này được triển khai từ năm 2009 và kết thúc năm 2020 với tổng kinh phí là 988,7 tỷ đồng, trong đó 55% là vốn ngân sách nhà nước, 40% là vốn ODA và 5% là đóng góp của người dân. Đây được xem là đề án có liên quan nhất tới doanh nghiệp trong quản trị rủi ro thiên tai.

Cách đây 2 năm, Quỹ châu Á cũng đã phối hợp với VCCI đào tạo khoảng 20 giảng viên nguồn về quản lý rủi ro thiên tai cho doanh nghiệp. Theo đó, gần 500 người đại diện cho 340 doanh nghiệp tại 5 tỉnh miền trung đã được đào tạo lập, thực hiện và quản lý kế hoạch ứng phó rủi ro thiên tai. Sau lớp tập huấn, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đầu tư xây dựng công trình gắn với phòng chống thiên tai, đặc biệt là lồng ghép kế hoạch phòng chống thiên tai vào kế hoạch sản xuất.

Cụ thể, doanh nghiệp dệt may Vinatex Đà Nẵng đã thành lập ban phòng chống thiên tai, có cơ chế khen thưởng và ghi rõ trách nhiệm với từng thành viên. Tổng công ty dệt may Hòa Thọ (Đà Nẵng) đã thường xuyên tổ chức các buổi thực hành ứng phó khẩn cấp với bão cấp 12-13 ngay tại doanh nghiệp.

Ông Trần Đình Thành, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ cho biết: “Kế hoạch cụ thể ứng phó rủi ro thiên tai được chúng tôi thực hiện theo phương châm chỉ huy tại chỗ. Người lãnh đạo cao nhất của đơn vị hoặc người được lãnh đạo cao nhất cử và thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, chủ động tập huấn để khi có tình huống xảy ra kịp thời ứng phó. Chúng tôi đã xây dựng được lực lượng nòng cốt sẵn sàng đối phó khi thiên tai xảy ra nhằm giảm thiểu tối đa những rủi ro có thể gặp phải cho doanh nghiệp”.

Hiện Dự thảo Luật Phòng chống thiên tai liên quan đến doanh nghiệp đang được xây dựng, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 5 tới. Nếu được thông qua, thì vào tháng 9 năm nay, sẽ có thêm các quy định cụ thể về phòng chống thiên tai tại doanh nghiệp. Về vấn đề này, bà Tô Kim Liên, Giám đốc Trung tâm giáo dục và phát triển (CED) cho rằng, các quy định trong Dự thảo vẫn chỉ dừng lại ở việc khuyến khích các doanh nghiệp, chứ chưa có tiêu chí bắt buộc doanh nghiệp liên quan đến quản trị rủi ro thiên tai. “Để doanh nghiệp quan tâm hơn tới vấn đề này, việc tập huấn và nâng cao ý thức của doanh nghiệp là chưa đủ. Các doanh nghiệp cần tổ chức phòng chống thiên tai cho chính mình và cộng đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần được hưởng chính sách ưu đãi trong vay vốn khi đầu tư cho phòng chống thiên tai”, bà Liên nói.

Tin liên quan
Tin khác