Thông tin từ cuộc khảo sát “Nhận thức và Hành vi tiêu dùng xanh 2024” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao công bố ngày 30/10, ông Nguyễn Văn Phượng, phụ trách điều tra thị trường của Hội cho hay, trước những lo ngại về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và mối quan tâm đến sức khỏe, môi trường… người tiêu dùng hiện nay nhận thức khá tích cực về những lợi ích mà tiêu dùng xanh mang lại.
Tuy nhiên, từ ý thức tới hành động vẫn còn một khoảng cách khá lớn, thể hiện ở mức độ ưu tiên của người tiêu dùng đối với tiêu dùng xanh còn hạn chế. Ngay tại TP. Hà Nội và TP.HCM là hai trung tâm văn hóa, kinh tế lớn nhất cả nước nhưng tỷ lệ tiêu dùng xanh ở mức độ phổ biến cũng chỉ chiếm khoảng 12 - 18%.
Bức tranh tiêu dùng xanh trong các cộng đồng dân cư còn khá “tối màu”. |
Trong đó, thực phẩm xanh được người tiêu dùng sử dụng ở mức độ cao nhất so với sản phẩm xanh các ngành khác, nhưng cũng chỉ đạt tới mức độ gần thường xuyên.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy quan điểm của người tiêu dùng hiện nay là chưa nỗ lực mua sản phẩm xanh (3,5 điểm trên thang điểm 5) và chưa mặn mà với việc khuyến khích người thân, bạn bè tiêu dùng sản phẩm xanh. Có thể thấy, nhận thức và thái độ đối với tiêu dùng xanh của người tiêu dùng hiện nay là tín hiệu đáng mừng, nhưng thực trạng tiêu dùng xanh thì còn đáng buồn.
Ông Nguyễn Văn Phượng chia sẻ: “Hiện nay người tiêu dùng cũng rất quan tâm đến yếu tố giá thành khi chọn mua sản phẩm xanh. Trong đó, 78% người tiêu dùng cho rằng, rào cản lớn nhất trong việc tiêu dùng xanh là sản phẩm xanh có giá cao, kế đến là độ phủ sản phẩm xanh còn hạn chế, thiếu thông tin định hướng, cũng như chưa có chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh. Ngoài ra, 18% người tiêu dùng cho rằng sản phẩm xanh chưa đáp ứng được kỳ vọng về chất lượng.”
Thế nhưng về lâu dài, tiêu dùng xanh là xu hướng tất yếu và sẽ ngày càng trở nên phổ biến. Kết quả khảo sát xu hướng tiêu dùng xanh cho thấy, 59% người tiêu dùng cho biết sẽ gia tăng sử dụng sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cho biết họ sẵn sàng chi trả tăng thêm để có thể sử dụng sản phẩm xanh ở những mức độ khác nhau. Trong đó mức độ chi trả tăng thêm được người tiêu dùng hưởng ứng nhiều nhất là chi tăng thêm từ 5-10% so với sản phẩm thông thường để tiêu dùng sản phẩm xanh. Đặc biệt có khoảng 20% ngừoi tiêu dùng chấp nhận chi trả tăng thêm trên 10%.
Những con số trên mang nhiều yếu tố tích cực, nếu có đông đảo người tiêu dùng ủng hộ sản phẩm xanh, sẵn sàng chấp nhận mức chi phí cao hơn thông thường, thì sản xuất xanh và tiêu dùng xanh hứa hẹn có dư địa phát triển. Khi sức tiêu thụ của sản phẩm xanh tốt hơn và sự dịch chuyển trong hành vi mua sắm hướng đến tiêu dùng xanh sẽ là động lực để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất xanh, bền vững.