OPEC hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2024 xuống còn 1,78 triệu thùng mỗi ngày. Ảnh: Safin Hamid/AFP |
Giá dầu thô Brent đã giảm 41 cent, tương đương 0,5%, xuống còn 81,89 USD/thùng vào lúc 00:05 giờ GMT, ngày 13/8. Tương tự, giá dầu thô WTI của Mỹ cũng giảm 0,5%, xuống còn 79,63 USD/thùng.
Trước đó, giá dầu Brent đã tăng hơn 3% trong ngày giao dịch 12/8, trong khi giá WTI đã bật tăng hơn 4%.
Rạng sáng ngày 12/8, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã công bố dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2024 sau điều chỉnh giảm còn 1,78 triệu thùng mỗi ngày, so với mức 1,85 triệu thùng/ngày được dự báo trước đó.
OPEC hiện kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm nay sẽ đạt trung bình 104,32 triệu thùng/ngày. Đối với năm 2025, tổ chức này cũng đã hạ dự báo xuống còn 2,11 triệu thùng/ngày, giảm so với mức 2,25 triệu thùng/ngày trong báo cáo trước đó.
"Sự điều chỉnh nhỏ này phản ánh dữ liệu thực tế ghi nhận trong quý I/2024 và trong một số trường hợp là quý II, cũng như kỳ vọng giảm sút về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc trong năm 2024", tuyên bố của OPEC nêu rõ.
Việc OPEC hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2024 đã khiến giới giao dịch lo ngại về tình thế tiến thoái lưỡng nan mà liên minh giữa OPEC và các đồng minh (gọi chung là OPEC+) phải đối mặt khi họ tăng sản lượng từ tháng 10.
Đây là lần đầu tiên OPEC hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2024, kể từ khi dự báo được đưa ra vào tháng 7/2023. Động thái này diễn ra sau khi ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu ở Trung Quốc đã tụt lại so với kỳ vọng do mức tiêu thụ dầu diesel giảm và cuộc khủng hoảng bất động sản cản trở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục làm rung chuyển thị trường khi các nhà giao dịch lo ngại về một cuộc xung đột lan rộng ở khu vực này có thể làm gián đoạn nguồn cung cấp chính.
Người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby hôm 12/8 cho biết xung đột ở Trung Đông đã leo thang, với việc Mỹ đang chuẩn bị cho những gì có thể là các cuộc tấn công đáng kể của Iran hoặc các lực lượng ủy nhiệm của nước này ngay trong tuần này.
Thị trường đang nín thở trước cuộc tấn công dự kiến của Iran vào Israel, trong khi các lực lượng ủy nhiệm của Iran tiếp tục tăng cường các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ ở Syria và Iraq.
Bất kỳ cuộc tấn công nào cũng có thể thắt chặt việc tiếp cận nguồn cung dầu thô toàn cầu và đẩy giá dầu lên cao. Các nhà phân tích cho biết một cuộc tấn công cũng có thể khiến Mỹ áp đặt lệnh cấm vận đối với xuất khẩu dầu thô của Iran, có khả năng ảnh hưởng đến 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Các nhà giao dịch dầu mỏ cũng đang đợi công bố số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ vào ngày 14/8 để tìm kiếm thông tin quan trọng về lạm phát tháng 7 của Mỹ - quốc gia tiêu thụ nhiều dầu mỏ nhất thế giới. Các nhà đầu tư hiện lo ngại rằng chỉ số CPI quá thấp sẽ làm gia tăng nỗi lo về suy thoái ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thậm chí, thị trường tiền tệ còn đặt cược vào việc cắt giảm 25 hoặc 50 điểm cơ bản lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 9 và tổng cộng cắt giảm 100 điểm cơ bản vào cuối năm nay, sau thông tin thị trường việc làm nước này chững lại, theo nền tảng theo dõi công cụ chính sách FedWatch của tập đoàn CME.
Việc cắt giảm lãi suất có xu hướng thúc đẩy hoạt động kinh tế, giúp tăng nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng xanh chưa đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn.
Fed đã cố gắng dập tắt nỗi lo về suy thoái kinh tế Mỹ khi cho biết họ không còn tin rằng điều này sẽ xảy ra nữa, một động thái cho thấy Nhà Trắng và Fed đã xoay xở để đưa lạm phát "hạ cánh mềm".
Phát biểu trên đài CBS cuối tuần qua, Giám đốc điều hành ngân hàng Bank of America, ông Brian Moynihan, cho biết ngân hàng này "không còn dự đoán về suy thoái nữa".
"Người tiêu dùng đã chậm lại. Họ có tiền trong tài khoản, nhưng họ đang cạn kiệt một chút", ông Moynihan nói. "Họ được tuyển dụng, họ kiếm được tiền, nhưng (chi tiêu của - BTV) họ thực sự đã chững lại. Vì vậy, Fed đang trong tình thế phải hành động cẩn trọng để không tiêu dùng chậm lại quá nhiều".