Giá dầu thô Brent và dầu WTI của Mỹ hôm 24/2 đều vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Ảnh: AFP |
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014 giá dầu thô Brent và dầu WTI của Mỹ bước qua ngưỡng 100 USD/thùng. Cụ thể, giá dầu Brent giao sau đã tăng hơn 8,9% lên 105,36 USD/thùng vào khoảng 10h40 sáng 24/2, theo giờ London. Trong khi đó, giá dầu WTI giao sau của Mỹ cũng tăng hơn 8,7% và giao dịch ở mức 100,10 USD/thùng.
Giá khí đốt tự nhiên cũng bám sát chuyển động của thị trường dầu mỏ với mức tăng 6,1%. Vàng giao ngay, vốn được coi là tài sản trú ẩn an toàn, hôm nay tăng giá 3,3% và giao dịch lần gần đây nhất ở mức 1.970,2 USD/ounce.
Sáng sớm 24/2 theo giờ địa phương, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động một cuộc tấn công vào Ukraine sau nhiều tháng triển khai quân đội dọc theo biên giới hai nước. Cuộc tấn công diễn ra vài ngày sau khi Điện Kremlin chính thức công nhận độc lập của hai khu vực ly khai Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine.
Vài phút sau khi Tổng thống Putin tuyên bố hành động quân sự, nhóm phóng viên Đài NBC có mặt ở thủ đô Kiev, Ukraine xác nhận họ đã nghe thấy tiếng nổ ở Kiev. Còn một nhóm phóng viên CNN thường trú tại Kharkiv, một thành phố ở Ukraine gần biên giới Nga, cũng xác nhận đã nghe thấy tiếng pháo.
Ngoại trưởng Ukraine, ông Dmytro Kuleba hôm nay kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới ngăn chặn Tổng thống Nga. "Giờ là lúc phải hành động", Ngoại trưởng Ukraine nói.
Đầu tuần này, Mỹ, Canada, Anh, Liên minh châu Âu (EU), Australia, và Nhật Bản đã công bố các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với Nga và mục tiêu trừng phạt là các ngân hàng và nhân vật giàu có của Nga. Đợt trừng phạt thứ hai được dự báo sẽ được sớm công bố trong thời gian tới.
Ông Matthew Smith, nhà phân tích thị trường dầu mỏ hàng đầu tại Công ty nghiên cứu thị trường Kpler, phán đoán rằng thị trường dầu mỏ có thể sẽ không bị gián đoạn nguồn cung ngay lập tức, bất chấp cuộc tấn công của Nga.
Bình luận trên đài CNBC, ông Matthew Smith cho biết châu Âu và Nga có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau trong lĩnh vực năng lượng và hai bên đều phụ thuộc lẫn nhau. Chuyên gia này tin rằng Mỹ và phương Tây sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt đặc biệt đối với các mặt hàng năng lượng.
"Chúng ta sẽ không chứng kiến nguồn cung bị gián đoạn, ngay cả khi mọi thứ đang leo thang", ông Matthew Smith nói.
Không bi quan về thị trường dầu mỏ, nhưng bà Ellen Wald, Chủ tịch Công ty phân tích thị trường năng lượng Transversal Consulting, cho rằng nguồn cung dầu mỏ sẽ khan hiếm, cùng với đó là sự không chắc chắn về các lệnh trừng phạt mà chính quyền Tổng thống Joe Biden áp dụng đối với Nga.
"Liệu họ (chính quyền Mỹ - BTV) sẽ trừng phạt dầu khí của Nga? Điều này sẽ đồng nghĩa với giáng đòn đau mạnh lên cả người tiêu dùng Mỹ. Mỹ nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Trên thực tế, dầu mỏ vẫn đang được chuyển đến Mỹ ở thời điểm chúng tôi đề cập", bà Ellen Wald phân tích.
Còn theo đánh giá của Goldman Sachs, tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine lên giá cả năng lượng ở Mỹ sẽ hạn chế. "Trong khi châu Âu nhập khẩu phần lớn lượng khí đốt tự nhiên từ Nga, thì Mỹ là nước xuất khẩu ròng khí đốt tự nhiên nên các tác động tới giá khí đốt ở Mỹ sẽ khiêm tốn", các nhà phân tích tại Goldman Sachs nhận định.
“Các chiến lược gia hàng hóa của chúng tôi dự báo sẽ chỉ có một tác động khiêm tốn đến giá dầu, mặc dù họ nhận thấy rủi ro có thể diễn biến theo chiều ngược lại vì nguồn cung thị trường dầu mỏ đang hạn hẹp”, Goldman Sachs lưu ý.