Ông Bala Suppliah, Phụ trách Phân tích Rủi ro châu Á Thái Bình Dương, Công ty bảo hiểm AIG phát biểu tại hội thảo |
Chủ đề hội thảo tập trung vào những thách thức các đô thị châu Á đang gặp phải, tác động của thiên tai đối với nền kinh tế và định lượng, đánh giá phân tích, giải pháp giảm thiểu rủi ro…
Phát biểu tại hội thảo, ông Bala Suppliah, Phụ trách Phân tích Rủi ro châu Á Thái Bình Dương, Công ty bảo hiểm AIG, tin tưởng nhu cầu bảo hiểm thảm họa thiên nhiên tại Việt Nam sẽ được các doanh nghiệp trong và ngoài ngành bảo hiểm quan tâm nhiều hơn: “Việt Nam, với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều tài sản nằm trong khu vực ven biển hoặc trong vùng ảnh hưởng của bão, nhu cầu bảo hiểm thảm họa thiên nhiên sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa. Trong bối cảnh thiên tai xảy ra thường xuyên, mối quan ngại hàng đầu của các doanh nghiệp châu Á trong đó có Việt Nam không chỉ là thiệt hại về tài sản mà còn là tổn thất kinh tế do gián đoạn kinh doanh. Doanh nghiệp hiểu rằng, bằng việc mua bảo hiểm thảm họa thiên nhiên doanh nghiệp đã giảm bớt phần nào sự lo lắng và thiệt hại tài chính cho chính mình".
Ông Bala cũng cho biết điều làm nên sự khác biệt giữa các công ty bảo hiểm là khả năng lên mô hình đánh giá tỷ lệ rủi ro, tư vấn và khuyến cáo, đề xuất những giải pháp và công nghệ hữu hiệu để giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất có thể. Các công ty bảo hiểm đa quốc gia còn có ưu thế ở tiềm lực tài chính mạnh để bồi thường hỗ trợ các doanh nghiệp trong những hoàn cảnh thảm họa lớn. Năng lực bảo hiểm tài sản của Công ty bảo hiểm AIG lên tới 1,5 tỷ USD.
Nghiên cứu mới đây của Quỹ châu Á chỉ ra rằng trong 20 năm qua Việt Nam là 1 trong 5 nước có rủi ro thiên tai cao nhất thế giới. Theo đánh giá của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong 5 năm gần đây, mỗi năm thiên tai làm chết khoảng 500 người, gây thiệt hại 14.500 tỷ đồng, tương đương 1,2% GDP cả nước.
Được biết, châu Á trong những năm gần đây liên tiếp gặp nhiều thiên tai nghiêm trọng từ bão, lụt, động đất tới sóng thần. Thống kê cho thấy chỉ trong năm 2014, thiên tai đã gây ra tổn thất kinh tế thế giới lên đến 110 tỷ USD, còn riêng tại châu Á, con số này lên đến 52 tỷ đô la, chiếm 47% tổng thiệt hại kinh tế gây ra bởi thiên tai trên toàn cầu. Gần đây nhất, vụ động đất ở Nepal đã gióng lên hồi chuông về sự cần thiết của bảo hiểm.