Đây là ý kiến của ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội về kế hoạch công tác xúc tiến thương mại năm 2024 tại Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề “Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường 2024” do Bộ Công thương tổ chức.
Tại Hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, trong năm 2023 Chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia đã thực hiện 80 đề án tập trung xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương, qua đó hỗ trợ hơn 10.000 lượt doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; giá trị các hợp đồng, đơn đặt hàng xuất khẩu trực tiếp tại các sự kiện đạt trên 125 triệu USD.
Với những kết quả trên, năm 2024 hoạt động xuất nhập khẩu dự báo đối mặt nhiều thách thức đòi hỏi hoạt động xúc tiến thương mại cần được đẩy mạnh hơn nữa, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng 6% như kế hoạch đề ra. Hoạt động xúc tiến thương mại năm nay sẽ tập trung đa dạng, linh hoạt hơn nữa nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu mới, khai thác tốt các FTA.
Tích cực quảng bá các sự kiện xúc tiến thương mại Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Linh) |
Trong đó, tổ chức các hội chợ, triển lãm quốc tế tại Việt Nam trong đó có các hội chợ lần đầu được tổ chức như: Triển lãm các sản phẩm OCOP; hội chợ quốc tế chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp; tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất nhập khẩu tại 6 vùng kinh tế trọng điểm trong nước.
Cùng với đó, tích cực quảng bá các sự kiện xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài như gian hàng quốc gia tại các hội chợ quốc tế uy tín; đoàn xúc tiến thương mại, diễn đàn doanh nghiệp gắn với chương trình công tác hợp tác song phương, đa phương của lãnh đạo các cấp…
Xác định tầm quan trọng của công tác xúc tiến thương mại đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hoá của địa phương, tại hội nghị, chia sẻ về kế hoạch công tác xúc tiến thương mại năm 2024, ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội cho hay, năm 2024 Hà Nội dự kiến tổ chức 60 sự kiện xúc tiến thương mại lớn trong và ngoài nước, trong đó có từ 8 - 10 sự kiện tổ chức ở nước ngoài, tổng kinh phí 180 tỷ đồng.
Để Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ và kế hoạch công tác xúc tiến thương mại năm 2024, TP. Hà Nội mong muốn Bộ Công thương, Cục Xúc tiến thương mại, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài phát huy hơn nữa vai trò dẫn dắt, kết nối cụ thể để các địa phương có định hướng tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại nói chung, xúc tiến xuất khẩu nói riêng. Phối hợp tổ chức các sự kiện xúc tiến quy mô lớn với sự tham gia của nhiều địa phương nhằm tăng hiệu quả hoạt động.
“Năm 2024, Hà Nội kỳ vọng được Bộ Công thương phê duyệt cho đăng cai tổ chức Hội nghị mở rộng thị trường xuất khẩu cụm Đồng bằng sông Hồng”, ông Nguyễn Ánh Dương đề xuất.
Theo đó, ông Vũ Bá Phú cho biết, năm 2024, các hoạt động xúc tiến thương mại của Bộ Công thương sẽ tập trung vào các định hướng:
Một là, tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các hiệp định thương mại tự do. Trong đó, chuyển đổi số phải gắn với chuyển đổi xanh trong xúc tiến thương mại một cách tích cực nhằm thúc đẩy sản xuất và phát triển ngoại thương bền vững.
Hai là, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn, tầm quốc gia và quốc tế, tương xứng vị thế và hình ảnh quốc gia Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là những ngành, lĩnh vực xuất khẩu có thế mạnh, trên các thị trường xuất khẩu chủ lực. Chú trọng triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu quốc gia gắn với các hoạt động ngoại giao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Công thương ở trong nước và quốc tế.
Ba là, tiếp tục tranh thủ nguồn lực và sự hỗ trợ của các tổ chức, đối tác quốc tế nhằm đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp.