Những lô hàng trái cây mang thương hiệu Việt đã chinh phục được nhiều thị trường Ảnh: Đức Thanh |
Thêm nhiều cơ hội cho hàng Việt
Quy mô xuất khẩu của nền kinh tế nước ta đã đạt 282,6 tỷ USD vào cuối năm 2020, nhưng tỷ lệ hàng hóa mang thương hiệu Việt bán tại nước ngoài vẫn còn khiêm tốn.
Tín hiệu mừng là, tỷ lệ này đang dần được cải thiện, bởi thời gian gần đây, các tập đoàn 100% vốn nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam như Aeon, Central Retail, Lotte, Mega Market và các thương vụ Việt Nam ở nhiều nước đã làm cầu nối cho hàng Việt vào hệ thống bán lẻ nước ngoài. Những lô hàng trái cây tươi, nước uống đóng chai, thực phẩm chế biến… mang thương hiệu Việt đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia đang mở ra hy vọng cho nhiều mặt hàng sản xuất tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, nhiều loại hàng hóa, nhất là nông sản mang thương hiệu Việt Nam tiếp cận thị trường Australia khá thành công chỉ trong một thời gian ngắn. Điều này cho thấy, nếu sản phẩm được sản xuất với quy trình chuẩn, tuân thủ quy định nghiêm ngặt của thị trường, thì sẽ có cơ hội tăng trưởng trong những năm tới.
Mới đây, sản phẩm nước uống kiềm ion nhãn hiệu Fujiwa do Công ty TNHH Fujiwa Việt Nam sản xuất theo công nghệ Nhật Bản đã gây hiệu ứng bất ngờ tại Australia. Lần đầu tiên, 4 container nước uống kiềm ion Fujiwa xuất sang thị trường này đã được tiêu thụ gần hết trong thời gian ngắn. Lô hàng xuất khẩu thành công nhờ sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Australia.
Một sản phẩm triển vọng khác là nước dừa đóng hộp cũng có dư địa xuất khẩu lớn tại Australia. Mặt hàng này trước đây là “lãnh địa” của hàng Thái, nhưng nay, hàng Việt đã bước đầu khẳng định chất lượng. Gần đây, nhiều nhãn hàng nước dừa đóng hộp Việt Nam đã xuất hiện thường xuyên tại các hệ thống phân phối lớn ở thị trường này. Đặc biệt, nước dừa Cocoxim của Betrimex với cam kết 100% nước dừa nguyên chất đã tạo được ấn tượng mạnh đối với người tiêu dùng Australia.
Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, để đẩy mạnh xuất khẩu nước dừa sang Australia, Thương vụ đang phối hợp với nhà phân phối độc quyền tại bang New South Wales là Công ty Philinh Pty để quảng bá thương hiệu và tăng sự hiện diện của sản phẩm tại nhiều kênh bán lẻ.
Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị cũng đã bước đầu xuất khẩu thành công các loại nông sản sang Australia. Đơn cử, Công ty Ưu Đàm vừa đưa 60 tấn sầu riêng Ri6 nhãn hiệu Ưu Đàm sang thị trường này, với giá từ 18,99 AUD/kg đối với sầu riêng đông lạnh nguyên quả và 20 - 25 AUD/kg đối với loại bóc sẵn. Trên đà thuận lợi, doanh nghiệp tiếp tục lên kế hoạch mỗi năm xuất khẩu 100 - 150 tấn sầu riêng thương hiệu Ưu Đàm sang Australia.
Đối với thị trường Nhật Bản, từ vài năm nay, Tập đoàn Aeon đã cùng Bộ Công thương thực hiện chương trình xuất khẩu hàng Việt vào hệ thống bán lẻ Aeon, với mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào hệ thống Aeon đạt 1 tỷ USD vào năm 2025. Tuần hàng Việt Nam năm 2021 cũng vừa được tập đoàn này tổ chức thành công vào cuối tháng 6/2021 tại Trung tâm thương mại Aeon Lake Town (tỉnh Saitama) và tại 350 cửa hàng trong chuỗi bán lẻ toàn quốc của Aeon tại Nhật Bản.
Qua các kỳ tổ chức, đến nay, chương trình đã hỗ trợ được hơn 100 lượt doanh nghiệp của 21 tỉnh, thành phố trên cả nước tham dự quảng bá, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng Nhật Bản. Nhiều loại sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn đã được Aeon nhập khẩu và được đưa vào tiêu thụ tại hàng trăm siêu thị trong hệ thống Aeon. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hợp tác với Aeon để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Nhật Bản.
Doanh nghiệp chuyển mình mạnh hơn
Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công thương) đánh giá, với vai trò cầu nối, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài và đại diện các cơ quan thương vụ Việt Nam đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu Việt thành công ở nhiều thị trường “khó tính”. Từ đây, doanh nghiệp Việt đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng, thị hiếu và tiêu chuẩn của từng mặt hàng xuất khẩu để tổ chức sản xuất nghiêm ngặt, đáp ứng quy định từ các nhà nhập khẩu nhằm duy trì và gia tăng đơn hàng cũng như giá trị xuất khẩu.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần chuyển mình mạnh mẽ hơn, điều chỉnh những vấn đề chưa phù hợp. Đơn cử, với Nhật Bản, đây là thị trường rất khắt khe, nhất là với hàng nông - thủy sản nhập khẩu, nên việc xuất khẩu thành công không có nghĩa là yên tâm trụ lại.
Công ty Kome Co. Ltd,. là doanh nghiệp nhập khẩu nhiều hàng Việt bán tại Nhật Bản và rất am hiểu thị hiếu khách hàng Nhật. Ông Cấn Thành Trung, CEO Công ty Kome chia sẻ, doanh nghiệp Việt Nam sau khi xuất được hàng sang Nhật Bản nên tiếp tục lắng nghe các nhà nhập khẩu, phân phối để cải tiến chất lượng sản phẩm, điều chỉnh trọng lượng để tiện sử dụng hay cải tiến bao bì…, tiến tới chuẩn hoá quy trình sản xuất để phục vụ thị trường tốt hơn.
Với châu Âu, thị trường Việt Nam đã có FTA song phương, nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản nhiệt đới rất lớn. Nhưng, để xuất khẩu được sản lượng lớn và lâu dài sang châu Âu, doanh nghiệp phải đầu tư bài bản từ gốc, tức là có vùng trồng đủ lớn, sản xuất đúng quy trình, nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn G7. Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) chia sẻ, khi hàng Việt đạt được các yêu cầu khắt khe nhất về tiêu chuẩn, chất lượng, về truy xuất nguồn gốc..., sẽ dễ dàng tiếp cận thị trường châu Âu và tương lai sẽ rộng mở với các doanh nghiệp Việt Nam.