Tài chính - Chứng khoán
Hệ sinh thái Tân Long khát vốn sau chào sàn HoSE
Duy Bắc - 21/04/2024 14:28
Tăng vay nợ và phát hành cổ phiếu để thực hiện mục tiêu chuyển dịch từ lĩnh vực buôn bán nông sản sang chăn nuôi heo và cơ khí được hai thành viên Tập đoàn Tân Long thực hiện sau khi niêm yết sàn HoSE.

Thành lập từ những năm 2000, Tập đoàn Tân Long đã phát triển đa ngành ở nhiều lĩnh vực, trong đó chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp (cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, sản xuất - xuất khẩu gạo, sản xuất cơ khí công nghệ cao…).

Việc Tân Long thực hiện niêm yết 2 thành viên trong mấy năm gần đây giúp nhà đầu tư có thêm thông tin để đánh giá một phần về sức khỏe tài chính và hoạt động kinh doanh của Tập đoàn.

Trong đó, ngày 3/12/2021, CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã BAF) chính thức niêm yết sàn HoSE, với hoạt động chính là chăn nuôi heo và buôn bán nông sản. Ngày 1/12/2023, thành viên thứ hai là CTCP Tập đoàn Cơ khí công nghệ cao Siba (Siba Group, mã SBG) chính thức niêm yết trên sàn HoSE, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cơ khí công nghệ cao.

Niêm yết trên sàn, BaF Việt Nam đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp chăn nuôi heo hàng đầu, nên liên tục xây dựng trang trại để mở rộng công suất. Tuy nhiên, kể từ khi niêm yết (cuối năm 2021) tới nay, tình hình kinh doanh không cải thiện, thậm chí đi lùi. Trong đó, năm 2022 ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 10,6%, về 287,8 tỷ đồng, hoàn thành 71,4% kế hoạch. Năm 2023, doanh thu giảm 26,6%, về 5.198,8 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 89,3%, còn 30,8 tỷ đồng và chỉ hoàn thành 10,2% kế hoạch lợi nhuận.

Năm 2024, BaF Việt Nam lại đặt ra kế hoạch tham vọng, với doanh thu tăng 6,6%, lên 5.543,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 893,2%, lên 305,9 tỷ đồng. Công ty lên kế hoạch tiếp tục xây dựng thêm trang trại, đồng thời mở rộng quy mô chăn nuôi để nâng quy mô đàn heo lên gấp đôi, lên 875.000 con heo nái và heo thịt.

Tương tự, sau khi ghi nhận lợi nhuận năm 2023 giảm 13,51%, về 32 tỷ đồng, Siba Group đã lên kế hoạch lãi tăng trưởng 25% trong năm 2024, lên 40 tỷ đồng. Trong đó, đặt mục tiêu giảm cơ cấu doanh thu lĩnh vực thương mại nông sản từ mức hiện tại là 80% tổng doanh thu, xuống còn 17% trong giai đoạn đến năm 2030, đồng thời tập trung phát triển mảng cơ khí, năng lượng tái tạo.

Thực tế, hầu hết khách hàng lớn của Siba Group là đơn vị liên quan Tập đoàn Tân Long từ các lĩnh vực cơ khí - chế tạo - xây lắp, cũng như buôn bán nông sản, nên phụ thuộc vào các đơn vị thành viên của Tập đoàn Tân Long, dẫn đến rủi ro khi hệ sinh thái Tân Long gặp khó khăn.

Để chuyển dịch doanh thu từ lĩnh vực buôn nông sản sang chăn nuôi heo và cơ khí, cả BaF Việt Nam và Siba Group gia tăng tỷ trọng nợ vay trong vòng 3 năm trở lại đây.

Trong đó, từ năm 2021 đến năm 2023, BaF Việt Nam tăng thêm 2.149,2 tỷ đồng nợ vay, lên 2.312,3 tỷ đồng và chiếm 35,4% tổng nguồn vốn (đầu kỳ chỉ chiếm 3% tổng nguồn vốn). Việc tăng dư nợ vay đồng nghĩa chi phí lãi vay bào mòn khá lớn lợi nhuận.

Với việc tiếp tục xây dựng thêm trang trại trong năm 2024, đồng thời mở rộng quy mô đàn heo, trong bối cảnh tỷ lệ nợ vay lên tới 35,4% tổng nguồn vốn, BaF Việt Nam dự kiến tiếp tục kế hoạch chào bán cổ phiếu với tỷ lệ 48% trong năm 2024, tương ứng chào bán thêm 68,43 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, huy động 684,3 tỷ đồng để tiếp tục mở rộng trang trại.

Tương tự, Siba Group cũng lên kế hoạch chào bán cổ phiếu với tỷ lệ 46% trong quý II - III/2024, tương ứng chào bán thêm 11,5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động 115 tỷ đồng. Số tiền huy động được dùng để thanh toán công nợ phải trả cho nhà cung cấp.

Có thể thấy, mặc dù mới niêm yết và chưa chứng tỏ được mô hình kinh doanh hiệu quả, nhưng 2 thành viên của Tân Long đang tăng vay nợ, đồng thời đẩy mạnh huy động vốn từ cổ đông để thực hiện việc chuyển dịch ngành nghề kinh doanh chính từ buôn bán nông sản sang chăn nuôi heo và cơ khí.         

Tin liên quan
Tin khác