Trong bối cảnh Việt Nam đã ghi nhận những hiệu quả đáng kể từ trị liệu tâm lý trong chăm sóc tâm thần, Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần đầu tiên được Quốc hội thông qua ngày 9/1/2023 đã chính thức công nhận Tâm lý lâm sàng là một chức danh chuyên môn cần có giấy phép hành nghề trong hệ thống y tế.
PGS-TS.Võ Văn Bản, Chủ tịch Hội tâm lý trị liệu Việt Nam, |
Việc công nhận tâm lý lâm sàng như một chức danh nghề nghiệp yêu cầu có giấy phép hành nghề theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đã mở ra nhiều cơ hội mới nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho việc phát triển tâm lý lâm sàng, tâm lý trị liệu tại Việt Nam.
Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Tâm lý học lâm sàng và Tâm lý trị liệu: Cơ hội và Thách thức” được tổ chức ngày 1/6 sẽ giúp các bên liên quan nhận diện và vượt qua những thách thức này, đồng thời tận dụng những cơ hội để phát triển ngành một cách bền vững và hiệu quả.
Phân tích về bức tranh ngành tâm lý trị liệu tại Việt Nam theo PGS-TS.Võ Văn Bản, Chủ tịch Hội tâm lý trị liệu Việt Nam, nhu cầu sử dụng dịch vụ tham vấn/tư vấn và trị liệu tâm lý đã gia tăng đáng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, nguồn nhân lực trong lĩnh vực này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân và xã hội.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã xác định mã nghề tâm lý lâm sàng là chức danh chuyên môn trong hệ thống y tế, yêu cầu các nhà tâm lý lâm sàng phải có giấy phép hành nghề.
Giấy phép này sẽ được cấp bởi Hội đồng Y khoa cấp quốc gia hoặc địa phương. Mặc dù đây là cơ hội để các nhà tâm lý lâm sàng phát triển chuyên môn và hành nghề chuyên nghiệp hơn, họ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn.
Vấn đề tài chính là một trong những thách thức chính, khi nhiều người dân không có khả năng chi trả cho các dịch vụ tâm lý hoặc không có bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, nhân lực trong lĩnh vực này vẫn còn thiếu, các thủ tục và quy trình cấp chứng chỉ hành nghề chưa rõ ràng và xã hội vẫn còn tồn tại sự kỳ thị đối với những người làm việc trong hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Tại Hội thảo các chuyên gia một lần nữa cảnh báo về tình trạng trầm cảm của dân số thế giới trong đó có Việt Nam hiện nay. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), trầm cảm “là một rối loạn tâm thần phổ biến, đặc trưng bởi sự buồn bã, mất đi hứng thú hoặc khoái cảm, cảm thấy tội lỗi hoặc tự hạ thấp giá trị bản thân, bị rối loạn giấc ngủ hoặc ăn uống và kém tập trung”.
Trầm cảm có thể kéo dài hoặc tái phát nhiều lần, làm suy giảm đáng kể khả năng làm việc, học tập hoặc khả năng đương đầu với cuộc sống hàng ngày. Trường hợp nặng nhất, trầm cảm có thể dẫn đến tự tử.
Ở mức độ nhẹ, bệnh có thể được hỗ trợ chữa trị không cần dùng thuốc. Mức độ vừa và nặng, người bệnh cần được hỗ trợ điều trị bằng thuốc kết hợp với biện pháp tâm lý.
Trước đó, nói về trẩm cảm, ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần, trong đó rối loạn lo âu và trầm cảm là phổ biến nhất.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính và phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số́, nghĩa là có gần 15 triệu người, trong đó tỷ lệ mắc tâm thần phân liệt là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, tới 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác. Ở trẻ em, hơn 3 triệu trẻ có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Ths. Lê Công Thiện, Trưởng phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến, đặc trưng bởi sự buồn bã, mất đi hứng thú hoặc khoái cảm, cảm thấy tội lỗi hoặc tự hạ thấp giá trị bản thân, bị rối loạn giấc ngủ hoặc ăn uống và kém tập trung.
Trẻ ở lứa tuổi học đường đang phát triển tâm sinh lý, nên rất nhạy cảm với những tác động xung quanh. Trẻ ở độ tuổi này có khả năng nhận thức được các tác nhân gây căng thẳng (xung đột gia đình, chỉ trích, không đạt thành tích trong học tập) và thể hiện lòng tự trọng thấp, mặc cảm quá mức.
Trầm cảm ở tuổi học đường ảnh hưởng đến sự tăng cân và phát triển cơ thể, kết quả học tập ở trường và các mối quan hệ bạn bè hoặc gia đình. Rối loạn trầm cảm chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hành vi tự sát ở trẻ em.
Stress từ những sự kiện tiêu cực trong đời sống như sự mất mát người thân yêu, cha mẹ ly hôn, chứng kiến tự sát đều có liên quan đến sự khởi phát trầm cảm tuổi học đường. Tuy nhiên, những căng thẳng nhỏ trong đời sống (bỏ học, bố mẹ mất việc, gia đình mâu thuẫn, khó khăn tài chính trong gia đình, người thân ốm) cũng có thể gây nên các triệu chứng của trầm cảm.
Theo chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai, các rối loạn trầm cảm ở trẻ tuổi học đường cũng giống ở người lớn, nhưng có vài sự khác biệt. Đó là trẻ có cảm xúc dễ bị kích thích, khả năng kiềm chế thấp, nên dễ cáu giận, bùng nổ. Phần lớn trẻ thể hiện qua việc ăn uống kém ngon miệng, mệt mỏi, mất ngủ (gặp nhiều hơn ở thanh thiếu niên), giảm hứng thú và tập trung.
“Một số trẻ trầm cảm cố gắng bù đắp cho lòng tự trọng thấp bằng cách cố gắng làm hài lòng người khác, nên trẻ có thể xuất sắc trong học tập và cư xử tốt. Vì vậy, trầm cảm của trẻ có thể không được chú ý”, bác sĩ Thiện thông tin thêm.
Để dự phòng trầm cảm cho trẻ, theo các chuyên gia, trẻ cần được quan tâm, chia sẻ từ phía gia đình, bạn bè, nhà trường và cộng đồng.
Đặc biệt, các thành viên trong gia đình cần phải nâng cao hiểu biết về các triệu chứng của trầm cảm và ảnh hưởng của chúng đến mối quan hệ của trẻ với gia đình và bạn bè, đồng thời phát hiện sớm các triệu chứng cần điều trị.
Về phía trường học, cần đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết của thầy cô giáo và học sinh, không kỳ thị hoặc xa lánh những trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó có trầm cảm.
Ngoài ra, cần có sự tham gia của nhà trường trong việc phát hiện sớm, liên kết gia đình và các nhà chuyên môn trong thăm khám, chẩn đoán và điều trị cho các trẻ có dấu hiệu mắc trầm cảm..