Ngân hàng - Bảo hiểm
Kiểm soát chặt vốn cho vay chảy vào lĩnh vực rủi ro
Vân Linh - 29/12/2022 07:52
Ngân hàng Nhà nước vừa có Văn bản số 9064/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nghiêm túc triển khai thực hiện một số nội dung về tín dụng, lãi suất.



Tín dụng khó vào bất động sản, chứng khoán

Trong Văn bản số 9064/NHNN-TD, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện một số nội dung cụ thể, như chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng đối với nền kinh tế, hạn chế tối đa rủi ro kỳ hạn; tập trung cấp tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân; các dự án bất động sản nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt...

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là cấp tín dụng với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản, trong đó kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp...

Được biết, đến cuối tháng 11/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 12,2%. Như vậy, room tín dụng theo phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% vẫn còn 1,8%, cộng gần 2% tăng thêm, sẽ có khoảng 3,8% room tín dụng. Đây là dư địa khá lớn cho các ngân hàng thương mại cấp vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế, song thực tế, nguồn tín dụng chỉ được “nắn” vào lĩnh vực ưu tiên và với tình hình hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện.

Kiến nghị hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà dưới 2 tỷ đồng

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có kiến nghị cho phép người mua nhà ở thương mại có mức giá dưới 1,8 tỷ đồng hoặc 2 tỷ đồng/căn được hỗ trợ 2% lãi suất vay tín dụng của gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng hoặc với lãi suất hợp lý do Ngân hàng Nhà nước quy định. Thời gian hỗ trợ tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và lãi tiền vay, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, lý do Hiệp hội đưa ra đề xuất trên xuất phát từ việc trên thị trường xuất hiện nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đang thực hiện chính sách giảm giá bán nhà, chiết khấu sâu trên dưới 50%, dẫn đến giá bán căn hộ tại một số dự án chỉ còn khoảng 2 tỷ đồng/căn. Đáng nói là, dù đã giảm giá mạnh, nhưng người mua nhà ở thương mại vẫn chưa vay được tín dụng với lãi suất hợp lý để mua nhà.

Một điều nữa, Nghị định 31/2022/NĐ-CP chỉ hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

“Hiện gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ giảm 2%/năm lãi suất vay theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, nhưng đến hết tháng 10/2022 mới giải ngân được khoảng 21.000 tỷ đồng, tương đương 52,5%. Nếu không sử dụng hết thì lãng phí nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước”, ông Châu phân tích.

Giới phân tích tài chính cũng cho rằng, nếu được hỗ trợ lãi suất 2% thì sẽ rất tốt cho người thu nhập thấp vay được tiền để mua nhà, vì hiện tại, lãi suất đang quá cao. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại về tình trạng đầu cơ bất động sản, bởi nhiều người có tiền nhàn rỗi sẽ nhảy vào mua các căn nhà đang khuyến mãi giảm giá cộng với ưu đãi lãi vay như đề xuất. Vì vậy, chỉ ưu đãi lãi suất cho những người chưa có nhà.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, việc nới room tín dụng 1,5-2% vừa qua là phù hợp với thực tế, nhưng chỉ tập trung cho vay các đối tượng trực tiếp sản xuất - kinh doanh, những lĩnh vực ưu tiên. Còn đối với lĩnh vực rủi ro, vốn tín dụng sẽ rất khó.

Theo ông Hùng, đây cũng là một trong những trọng tâm mà Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét trong quá trình thanh tra, kiểm tra đối với những đơn vị được cấp quyền room tín dụng. Do đó, nguy cơ dòng vốn tín dụng đưa vào những lĩnh vực rủi ro thời gian tới khó có thể xảy ra. Ngoài sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước, bản thân các ngân hàng thương mại và Hiệp hội cũng luôn theo dõi, giám sát chặt chẽ nhằm hạn chế nợ xấu.

Tin liên quan
Tin khác