Thời sự
Kiến nghị loạt giải pháp hỗ trợ báo chí vượt qua “sóng dữ”
Tú Ân - 15/04/2020 09:23
Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiến nghị hàng loạt giải pháp hỗ trợ các cơ quan báo chí vượt qua khủng hoảng của Covid-19.
Tại Việt Nam, gần như cả ngành báo chí đều lâm vào cảnh lao đao, khi Covid-19 hoành hành, trong khi đó, báo chí vẫn phải có mặt tại những điểm "nóng" nhất để thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh

Nạn nhân của Covid-19

“Báo chí Mỹ đối mặt với khủng hoảng ở mức độ tuyệt chủng trong dịch Covid-19” là tựa đề mà tờ Guardian của Mỹ vừa đăng tải. Tờ báo này mô tả, Covid-19 sẽ kết liễu hàng trăm tờ báo in và đẩy ra đường hàng chục ngàn phóng viên, nhân viên.

Tại Louisiana, tờ Times-Picayune và Advocate chỉ giữ lại 10% trong số 400 nhân viên, số còn lại chuyển sang làm việc bán thời gian. The Plain Dealer, một tờ báo hàng ngày ở Cleveland (Ohio), đã sa thải 22 nhân viên phòng tin tức, bao gồm cả phóng viên y tế.

Ở Seattle, tờ Stranger đang tạm ngừng xuất bản và tạm thời sa thải 18 nhân viên. Tờ báo Tampa Bay Times lớn nhất Florida, đã chuyển sang ấn bản in 2 lần một tuần sau khi  mất 1 triệu USD quảng cáo do Covid-19.

Hãng tin AP cũng cho hay, ở Nevada, Battle Born Media đang thu hẹp hoặc ngừng xuất bản 6 tờ báo tuần nông thôn. Tuần báo Reno News & Review ngừng hoạt động và sa thải tất cả các nhân sự. C&G Newspapers, nơi xuất bản 19 tờ báo tuần ở gần Detroit ngừng xuất bản báo in. Tờ Pittsburgh Current hiện chỉ còn phiên bản online…

Ông Penny Abernathy, Chủ tịch Hiệp hội Báo chí và Kinh tế truyền thông kỹ thuật số tại Đại học Bắc Carolina dự đoán, hàng trăm tờ báo và trang web sẽ đóng cửa.

Tại Việt Nam cũng vậy, gần như cả ngành báo chí đều lâm vào cảnh lao đao, khi Covid-19 hoành hành. Hai nguồn thu chính của các cơ quan báo chí là quảng cáo và phát hành đều suy giảm trầm trọng, nguồn tích lũy (nếu có) đã cạn kiệt, các hình thức kinh doanh khác như tổ chức sự kiện, xuất bản đặc san… cũng không thực hiện được.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, nguồn thu chính của báo chí là từ quảng cáo và phát hành, nhưng do tác động của Covid-19 nên các nguồn này đều suy giảm.

“Hơn 20.000 nhà báo, gần 45.000 người lao động của các cơ quan báo chí đang bị ảnh hưởng. Có lẽ ảnh hưởng này không kém gì ngành du lịch, giao thông trong đại dịch. Mong Chính phủ có biện pháp giúp đỡ báo chí trong lúc khó khăn này", Bộ trưởng Hùng đề nghị.

Sớm hỗ trợ cơ quan báo chí và người lao động

Trong một diễn biến mới nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa gửi văn bản kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cấp bách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trong và sau Covid-19.

Cụ thể, về hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch và khắc phục khó khăn do tác động của Covid-19, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất có gói hỗ trợ cấp bách của ngân sách trung ương năm 2020 để giao nhiệm vụ, đặt hàng cho các cơ quan báo chí tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên và cơ quan báo chí tự đảm bảo một phần chi thường xuyên.

Hai nguồn thu chính của các cơ quan báo chí là quảng cáo và phát hành đều suy giảm trầm trọng vì Covid-19, khiến hấu hết các báo lao đao.

Trong đó, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ cấp bách về tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh và tình hình khắc phục tác động tiêu cực của Covid-19, tình hình phục hồi hoạt động kinh tế - xã hội sau đại dịch; hỗ trợ các cơ quan báo chí duy trì hoạt động thường xuyên phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu cho xã hội.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị Chính phủ cho phóng viên, lao động cơ quan báo chí trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phòng, chống dịch vào diện người lao động tham gia phòng, chống dịch và được hưởng một số chế độ đặc thù theo Nghị quyết 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19.

Với các đài phát thanh, truyền hình hiện nay đang được ngân sách nhà nước cấp, Bộ đề nghị cho các đơn vị này gia hạn thời gian thực hiện tự chủ chi thường xuyên sang năm 2022, thay vì năm 2020 như quy định trong quy hoạch báo chí.

Đồng thời, kiến nghị cho phép các cơ quan báo chí được sử dụng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp hiện có của đơn vị để chi cho một số hoạt động phục vụ công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trong cơ quan, mua sắm trang thiết bị phục vụ tác nghiệp của phóng viên, bổ sung thu nhập đảm bảo đời sống vật chất cho cán bộ, phóng viên trong thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19….

Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã sử dụng 9 tỷ đồng ngân sách dự phòng đặt hàng cơ quan báo chí và truyền hình; huy động được 3 tỷ đồng tiền mặt từ các doanh nghiệp ICT hỗ trợ trực tiếp cho phóng viên; các nhà mạng viễn thông vừa ra quyết định miễn phí toàn bộ kênh truyền và hosting máy chủ cho tất cả cơ quan báo chí trong tháng 4 và tháng 5/2020.

Tin liên quan
Tin khác